Giới thiệu chung

LOÀI TÊ TÊ Ở VIỆT NAM

Việt Nam có 2 loài tê tê: Tê tê Java (Manis javanica) và Tê tê vàng (Manis pentadactyla).

Tê tê, còn gọi là “trút” hoặc “xuyên sơn giáp”, có lớp vảy cứng bảo vệ cơ thể. Lưỡi tê tê dính và có thể phóng dài tới 40 cm để ăn kiến hoặc mối. Khi bị đe dọa, tê tê có khả năng cuộn tròn cơ thể lại như một trái bóng.

Thực trạng

Các mối đe dọa

Tê tê là một loài thú bị săn bắt trái phép nhiều nhất trên thế giới. Thịt tê tê bị sử dụng làm đặc sản trong các nhà hàng còn vảy tê tê bị sử dụng trong một số bài thuốc đông y.

Việt Nam là một nước trung chuyển tê tê lớn. Mỗi năm, hàng chục tấn tê tê bị tuồn vào Việt Nam trước khi xuất sang Trung Quốc. Trong năm 2019, ENV đã ghi nhận gần 17 tấn tê tê đông lạnh và vảy tê tê bị bắt giữ tại cảng Hải Phòng. Đây cũng là một cảng biển lớn, nơi tê tê thường bị vận chuyển lậu vào Việt Nam trước khi bị đưa lên vùng biên giới phía bắc ở tỉnh Móng Cái bằng đường bộ và bán sang Trung Quốc. Điển hình, tháng 3/2019, Hải quan cảng Hải Phòng bắt giữ một lô hàng vận chuyển hơn 8 tấn vảy tê tê từ Nigeria. Trong năm 2020, ENV ghi nhận 25 vụ bắt giữ liên quan đến tê tê, trong đó tịch thu 66 cá thể tê tê (tổng trọng lượng 264,52 kg) và 3,2 kg vảy tê tê. 

Pháp luật

Luật pháp bảo vệ tê tê

Cả hai loài tê tê vàng và tê tê Java đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất. Hai loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm đối với từ 8 cá thể tê tê trở lên đã đáp ứng dấu hiệu định khung theo Khoản 3 Điều 244, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt từ 10-15 năm tù đối với cá nhân.

Riêng hành vi quảng cáo bán tê tê hoặc các sản phẩm, bộ phận của tê tê được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 - 100 triệu đồng theo Điều 33, Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP).

Năm 2016, tại Hội nghị lần thứ 17 các nước thành viên CITES (COP17), cả 8 loài tê tê trên thế giới đều được chuyển lên Phụ lục I của Công Ước CITES. Hai loài tê tê bản địa của Việt Nam đã được pháp luật trong nước bảo vệ ở mức cao nhất. Tuy nhiên, với vai trò là nước trung chuyển lớn nên việc nâng cấp mức độ bảo vệ tất cả các loài tê tê trên thế giới là một điều vô cùng quan trọng.

Biện Pháp

Chiến dịch bảo vệ tê tê của ENV

Tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ Tê tê

ENV đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường thực thi pháp luật và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc ngăn chặn các vi phạm đối với tê tê.

Năm 2013, ENV thực hiện chiến dịch khảo sát tập trung và tăng cường thực thi pháp luật để giảm thiểu các vi phạm liên quan đến ĐVHD và các sản phẩm từ chúng trong đó có tê tê. Chiến dịch này được tiến hành tại các nhà hàng, hiệu thuốc y học cổ truyền, quán rượu và một số cơ sở kinh doanh khác tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kết quả cho thấy số lượng vi phạm đã giảm 42% tại các quận trọng điểm ở hai thành phố lớn, trong đó có quận ghi nhận mức giảm thiểu lên đến 77%.

Từ năm 2014, ENV đã nỗ lực để đảm bảo các cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý các vi phạm liên quan đến tê tê theo đúng các quy định của pháp luật, sau khi cả 2 loài tê của Việt Nam được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ - nhóm loài ĐVHD được bảo vệ cao nhất theo pháp luật Việt Nam. ENV đã giúp chấm dứt tình trạng bán đấu giá tê tê và bảo đảm mọi hành vi buôn bán, vận chuyển tê tê trái phép sẽ bị khởi tố theo đúng quy định mới. ENV cũng trực tiếp làm việc với các tòa án, viện kiểm sát để thúc đẩy quá trình xét xử, xử phạt những tội phạm buôn bán tê tê trái phép, đặc biệt kể từ khi Bộ luật hình sự mới có hiệu lực năm 2018.

Tính riêng trong năm 2020, Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV đã ghi nhận 109 vụ vi phạm có liên quan đến tê tê. Trong đó, nhiều trường hợp vi phạm đã được người dân thông báo qua đường dây nóng MIỄN PHÍ về bảo vệ ĐVHD 1800 1522.

Hoàn thiện khung pháp lý

ENV tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho các văn bản pháp luật được soạn thảo để nâng cao tính hiệu quả của các văn bản pháp luật được ban hành, đồng thời ENV còn hợp tác với các nhà hoạch định chính sách để khắc phục các lỗ hổng pháp lý về bảo vệ tê tê tại Việt Nam.

Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ Tê tê

Bên cạnh triển lãm bảo vệ tê tê được tổ chức ở các địa điểm cộng cộng, ENV thường xuyên thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo chí và các phương tiện truyền thông khác nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ tê tê và các sản phẩm từ tê tê. ENV đã sản xuất một số phim ngắn truyền thông về bảo vệ tê tê. Các phim của ENV được phát sóng trên 50 kênh truyền hình trên cả nước.

Ảnh: Phim về tê tê được trình chiếu tại thang máy của hơn 1.000 tòa nhà trên cả nước.

Năm 2020, Phim ngắn truyền thông và thông điệp bảo vệ động vật hoang dã của ENV đã được trình chiếu 17 triệu lần/ngày trên màn hình quảng cáo trong thang máy của các toà nhà lớn tại Hà Nội trong suốt 2 tháng

Chiến Dịch Bảo Vệ Tê Tê

CÙNG CHUNG TAY BẢO VỆ TÊ TÊ

  • Cam kết KHÔNG sử dụng, buôn bán hay tiêu thụ tê tê và các sản phẩm từ tê tê. Tiêu thụ tê tê và các sản phẩm từ tê tê là tiếp tay cho các mạng lưới buôn lậu tê tê quốc tế!
  • Kêu gọi người thân, bạn bè và những người xung quanh không sử dụng tê tê và các sản phẩm khác từ tê tê.
  • Thông báo tới đường dây nóng MIỄN PHÍ bảo vệ ĐVHD 1800 1522 nếu bạn phát hiện hành vi quảng cáo, buôn bán tê tê hay các sản phẩm từ tê tê tại Việt Nam.
  • Tham gia các hoạt động tình nguyện bảo vệ tê tê cùng ENV. Tìm hiểu thêm về hoạt động tình nguyện và đăng kí tại đây.
  • Ủng hộ tài chính cho các chiến dịch bảo vệ tê tê của ENV.

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522