Ký tên bảo vệ gấu

Gấu thuộc về tự nhiên! Gấu cần các bạn

Đã có 29075 người cam kết không sử dụng, tiêu thụ mật gấu
và các sản phẩm khác từ gấu

Giới thiệu chung

Loài Gấu ở Việt Nam

Việt Nam có 2 loài gấu: Gấu ngựa (Ursus Thibetanus) và Gấu chó (Helarctos malayanus).

  • Gấu ngựa có kích thước lớn (một cá thể trưởng thành có thể cao đến 1.9m và nặng tới 200kg) và có yếm màu trắng đục hình chữ V trước ngực.
  • Gấu chó là loài gấu nhỏ nhất trên thế giới, nặng khoảng 40-80 kg. Kích thước của chúng chỉ bằng khoảng một nửa gấu ngựa và có yếm màu vàng hình chữ U trước ngực.

247Số gấu trong các trang trại

43Số tỉnh thành không còn gấu nuôi nhốt

34Số gấu được chuyển giao cho trung tâm cứu hộ trong năm 2022

Thực trạng

Các mối đe dọa

Các mối đe dọa lớn nhất đối với cả hai loài gấu của Việt Nam là mất môi trường sống và bị săn bắt,buôn bán để phục vụ nhu cầu tiêu thụ, sử dụng mật gấu tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2005, tại Việt Nam có khoảng 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt để lấy mật. Đến tháng 3/2021, số lượng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước chỉ còn 372 cá thể, giảm hơn 91% so với thời điểm 2005. Hoạt động nuôi nhốt gấu đang dần đi đến hồi kết; tuy nhiên, các trường hợp vi phạm như vận chuyển, nuôi nhốt gấu trái phép, trích hút, quảng cáo, buôn bán mật gấu và các sản phẩm khác từ gấu vẫn đang diễn ra.

Pháp luật

Luật pháp bảo vệ gấu

Cả hai loài gấu ngựa và gấu chó đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất. Hai loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể gấu đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm đối với từ 6 cá thể gấu trở lên đã đáp ứng dấu hiệu định khung theo Khoản 3 Điều 244, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt từ 10-15 năm tù đối với cá nhân.

Riêng hành vi quảng cáo bán gấu hoặc các sản phẩm, bộ phận của gấu được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 - 100 triệu đồng theo Điều 50, Nghị định 158/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP).

Ngoài ra, gấu ngựa và gấu chó còn được liệt kê trong Phụ lục I của Công Ước CITES. Việc xuất, nhập khẩu 2 loài gấu này phải có giấy phép của cơ quan CITES của cả nước xuất và nhập khẩu.  

Biện Pháp

Chiến dịch bảo vệ gấu của ENV

 Tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ gấu
Trong nhiều năm qua, ENV đã và đang nỗ lực hợp tác với người dân và cơ quan chức năng trên cả nước để đấu tranh với các vi phạm liên quan đến gấu. Hàng trăm cá thể gấu nuôi nhốt trái phép đã được tịch thu hoặc được tự nguyện chuyển giao cho các trung tâm cứu hộ. Nhiều biển quảng cáo mật gấu đã bị dỡ bỏ, nhiều bình rượu gấu và chân tay gấu đã được tịch thu. Ngoài ra, ENV cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát các cơ sở đăng ký nuôi nhốt gấu trên cả nước và xử lý các vi phạm được phát hiện tại các cơ sở này. Trong năm 2020, ENV ghi nhận và xử lý 395 vụ vi phạm liên quan đến gấu, trong đó có 376 vụ quảng cáo, 15 vụ nuôi nhốt, tàng trữ và 5 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép gấu và các sản phẩm từ gấu.

 Tăng cường thể chế và khắc phục các lỗ hổng pháp luật về bảo vệ gấu
ENV tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho các văn bản pháp luật được soạn thảo để nâng cao tính hiệu quả của các văn bản pháp luật được ban hành đồng thời xử lý các lỗ hổng pháp lý và sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật.

⋅ Giảm thiểu nhu cầu sử dụng mật gấu
Từ năm 2002, ENV đã thực hiện nhiều chiến dịch lớn nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng mật gấu trên cả nước. ENV có nhiều hoạt động tại các trường học, trung tâm thương mại, các công ty, cơ quan, công viên v.v. để nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc sử dụng mật gấu. Đặc biệt, ENV thường xuyên có các trường trình truyền thông trên TV, đài, báo để kêu gọi người dân không sử dụng mật gấu và thông báo các vi phạm liên quan tới gấu.

Ngoài ra, hàng tháng ENV cũng gửi thư, bưu thiếp và trong một số trường hợp, gặp gỡ trực tiếp các chủ trại gấu để tuyên truyền các quy định pháp luật về việc không trích hút mật gấu hoặc không và nuôi nhốt gấu không đăng ký; đồng thời, thuyết phục chủ nuôi gấu chuyển giao các cá thể còn lại đến trung tâm cứu hộ, trong bối cảnh hoạt động nuôi nhốt gấu không còn đem lại lợi ích kinh tế và hầu hết các cá thể gấu hiện nay đang ở cuối vòng đời.

Từ đầu năm 2020, ENV tiến hành gửi các tập thư gồm 100 lá thư đến các chủ nuôi gấu trên cả nước. Đây là những lá thư được chọn lọc từ hơn 97.000 bức thư được các bạn học sinh THCS và THPT trên khắp mọi miền tổ quốc viết nhằm kêu gọi chủ gấu sớm chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu và chuyển giao các cá thể gấu còn lại đến các trung tâm cứu hộ.

Qua chương trình, một số chủ nuôi nhốt gấu đã chủ động liên hệ đến đường dây nóng của ENV để tự nguyện chuyển giao gấu được nuôi nhốt. Trong năm 2020, đã có 22 cá thể gấu được người dân tự nguyện chuyển giao cho Nhà nước và 10 cá thể gấu nuôi nhốt trái phép bị tịch thu. Tính đến nay, 39 tỉnh thành đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG CỘNG ĐỒNG NỔI BẬT

Ngày Gấu Việt Nam

Đây là một sự kiện lớn diễn ra hàng năm do ENV tổ chức. Ngày Gấu Việt Nam ra đời nhằm mục đích kêu gọi toàn thể cộng đồng không sử dụng mật gấu và chung tay chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu, tạo điều kiện cho quần thể gấu hoang dã được phục hồi.

 

Ngày Gấu Việt Nam 2019

Nhằm kỷ niệm Ngày Gấu Việt Nam 2019, ENV đã tổ chức lễ công bố kết quả và trao giải cuộc thi Viết thư cho chủ gấu “Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn” được phát động nhân Ngày Gấu Việt Nam 2018.

Sau 6 tháng phát động cuộc thi, ENV đã nhận được hơn 97,000 tác phẩm từ gần 1,000 trường THCS và THPT trên cả nước, với chất lượng các bài viết đồng đều, thể hiện sức sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của các bạn học sinh. Ban Giám khảo cuộc thi bao gồm nhà văn, giáo viên ngữ văn và cán bộ cấp cao của ENV đã chọn ra 6 bài thi xuất sắc nhất và 2 bài thi sáng tạo nhất để trao giải. Sự thành công của cuộc thi đã một lần nữa cho thấy giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, đang dành nhiều sự quan tâm và có nhận thức tốt hơn về vấn đề bảo vệ môi trường và các loài ĐVHD.

 

Ngày Gấu Việt Nam 2018

Tháng 11/2018, ENV cùng các đối tác là tổ chức World Animal Protection và Four Paws đã phối hợp với trường Phổ thông liên cấp Newton tại Hà Nội tổ chức thành công các hoạt động nằm trong sự kiện chào đón Ngày Gấu Việt Nam bao gồm triển lãm tranh và trưng bày các thông tin về bảo vệ gấu, chiếu phim ngắn truyền thông và giới thiệu cuộc sống của gấu ở các trung tâm cứu hộ.

Bên cạnh đó, để huy động sự quan tâm của cộng đồng trong các nỗ lực bảo vệ gấu cũng như kêu gọi các chủ nuôi chuyển giao gấu tự nguyện đến các cơ sở cứu hộ, ENV đã phát động cuộc thi Viết thư cho chủ gấu mang tên “Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn” tới tất cả học sinh các trường THCS và THPT trên khắp Việt Nam.

 

2017: Tuần lễ gấu Việt Nam

Lần đầu tiên tại Việt Nam, từ ngày 10 – 16/12/2017, ENV cùng các đối tác là Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection –WAP) và Tổ chức Four Paws đã khởi xướng “Tuần lễ Bảo vệ gấu” với mục đích kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ mật gấu và các sản phẩm từ gấu cũng như ủng hộ các nỗ lực để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Tuần lễ mở màn với sự kiện Chạy vì Gấu – Chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu” tại Hà Nội và tiếp nối với chuỗi các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thực thi pháp luật diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa bàn điểm nóng về nuôi nhốt gấu với hàng nghìn người tham gia.

Cuộc thi làm phim “Nói KHÔNG với mật gấu"

Năm 2012, ENV đã tổ chức cuộc thi làm phim “Nói KHÔNG với mật gấu”.

Sau gần 4 tháng triển khai, ENV đã nhận được rất nhiều bài dự thi xuất sắc và đã chọn lựa ra 08 phim ngắn tuyên truyền xuất sắc nhất. Xem tại đây.

 

Cuộc thi vẽ tranh “Trả lại sự bình yên cho loài gấu”

ENV đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh mang tên "Trả lại sự bình yên cho loài gấu" trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi đã thu hút 96.000 bài dự thi thể hiện sự quan tâm và những ý tưởng của người tham gia với nhiều độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau trên cả nước. Xem một số tác phẩm đoạt giải tại đây

 

"Chiến dịch Online “TÔI ỦNG HỘ” “Cùng hành động vì các loài gấu của Việt Nam - Chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu”

Tháng 6/2014, ENV phát động chiến dịch online huy động sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng. Trong vòng hai tháng, 17 người nổi tiếng, gồm ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thái Thùy Linh, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Uyên Linh, Tùng Dương, Thanh Lam, Lưu Hương Giang, danh thủ bóng đá Hồng Sơn, nghệ sĩ hài Quang Thắng, siêu mẫu Hà Anh, Hoa hậu Jennifer Phạm, MC Thảo Vân, Quyền Linh và MC Trấn Thành và nhiều nghệ sĩ khác đã tham gia chiến dịch.

Thông qua trang mạng xã hội cá nhân, các nghệ sĩ đã mạnh mẽ thể hiện thông điệp Tôi ủng hộ chấm dứt nuôi nhốt gấu và hi vọng các bạn cũng vậy, đồng thời khuyến khích cộng đồng KHÔNG tiêu thụ mật gấu nhằm bảo vệ các loài gấu của Việt Nam trước nguy cơ tuyệt chủng. Sự ủng hộ nhiệt tình của các sao Việt đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người người hâm mộ cùng lên tiếng bảo vệ các loài gấu của Việt Nam.

CÙNG CHUNG TAY BẢO VỆ GẤU

Cam kết KHÔNG sử dụng, buôn bán hay tiêu thụ mật gấu và các sản phẩm từ gấu.
Kêu gọi người thân, bạn bè và những người xung quanh không sử dụng mật gấu và các sản phẩm khác từ gấu.
Thông báo tới đường dây nóng MIỄN PHÍ bảo vệ ĐVHD 1800 1522 nếu bạn phát hiện hành vi quảng cáo, buôn bán gấu hay các sản phẩm từ gấu tại Việt Nam.
Tham gia các hoạt động tình nguyện bảo vệ gấu cùng ENV. Tìm hiểu thêm về hoạt động tình nguyện và đăng kí tại đây.
Ủng hộ tài chính cho các chiến dịch bảo vệ gấu của ENV

HÌNH ẢNH

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522