Giới thiệu chung

LOÀI TÊ GIÁC Ở VIỆT NAM

Việt Nam từng là ngôi nhà của một trong năm loài tê giác trên thế giới: Tê giác Java. Tuy nhiên, cá thể tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã bị bắn chết để lấy sừng vào năm 2010. Việt Nam vẫn có cơ hội thể hiện trách nhiệm trong công tác bảo vệ các loài tê giác trên thế giới bằng cách tăng cường thực thi pháp luật nhằm đấu tranh với nạn buôn bán trái phép sừng tê giác và xoá bỏ những quan niệm sai lầm về việc sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam.

548Cá thể tê giác bị giết hại trái phép tại Châu Phi trong năm 2023

27.400+Cá thể tê giác còn lại trong tự nhiên (số liệu từ tổ chức SRI 2023)

Thực trạng

Các mối đe dọa

Mối đe dọa lớn nhất đối với loài tê giác trên thế giới chính là bị săn, bắn, buôn bán để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam và một số quốc gia Châu Á khác.

Trong năm 2022, 548 cá thể tê giác đã bị sát hại tại Châu Phi để lấy sừng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam được biết đến là quốc gia trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới. Các đường dây buôn bán thường buôn lậu sừng tê giác vào Việt Nam qua đường hàng không hoặc hàng hải. Theo một số đánh giá, sừng tê giác chủ yếu được giới “siêu giàu” sử dụng để thể hiện đẳng cấp. Ngoài ra, một số người sử dụng sừng tê giác vì tin rằng sừng tê giác là thần dược có thể chữa được những bệnh nan y.

Pháp luật

Luật pháp bảo vệ Tê giác

Năm loài tê giác trên thế giới (trừ quần thể tê giác trắng ở Nam Phi, Eswatini và Namibia) đều thuộc Phụ lục I – Danh mục các loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị đe dọa tuyệt chủng của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Quần thể tê giác trắng ở Nam Phi và Eswatini cũng chỉ được coi thuộc Phụ lục II CITES trong hoạt động buôn bán quốc tế mẫu vật sống với số lượng phù hợp đến các quốc gia nhất định và mẫu vật săn bắn. Trong khi đó, quần thể ở Namibia chỉ được coi thuộc Phụ lục II CITES trong hoạt động buôn bán quốc tế mẫu vật sống vì mục đích bảo tồn nội vi tê giác tại khu vực phân bố của loài này ở các quốc gia châu Phi. Việc buôn bán quốc tế cá thể và các sản phẩm từ tê giác giữa các quốc gia thành viên CITES, trong đó có Việt Nam (ngoại trừ các trường hợp nêu trên) bị nghiêm cấm.

Tại Việt Nam, hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép sừng tê giác với khối lượng dưới 50gram (0,05 kg) trong trường hợp vi phạm lần đầu sẽ bị xem xét xử phạt hành chính từ 300 triệu đến 360 triệu đồng theo Điều 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP).

Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép sừng tê giác có khối lượng từ 50gram (0,05 kg) trở lên, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt lên đến 15 năm tù

 

Biện Pháp

Chiến dịch bảo vệ Tê giác của ENV

Hỗ trợ tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ tê giác

Trong nhiều năm qua, ENV đã và đang nỗ lực hợp tác với người dân để hỗ trợ cơ quan chức năng trên cả nước trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến tê giác tại Việt Nam. Trong 3 quý đầu năm 2023, ENV đã ghi nhận 33 vụ vi phạm liên quan đến tê giác trong đó các cơ quan chức năng tịch thu tổng cộng 31,82kg sừng tê giác trong 2 vụ vi phạm về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép.

ENV đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cung cấp thông tin cho các cơ quan thực thi pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho các cơ quan phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm nhiều đối tượng trong đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam. Bên cạnh đó, với nỗ lực của ENV, nhiều bài viết quảng cáo, rao bán sừng tê giác đã bị gỡ bỏ.

Hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý

ENV tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho quá trình soạn thảo, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để nâng cao tính hiệu quả của các văn bản đối với hoạt động bảo vệ ĐVHD nói chung trong đó có tê giác.

Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác

ENV thường xuyên thực hiện các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo chí và các phương tiện truyền thông khác nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác. ENV đã sản xuất nhiều phim ngắn truyền thông kêu gọi cộng đồng KHÔNG tiêu thụ sừng tê giác và báo cáo các vi phạm liên quan tới tê giác tới các cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng miễn phí bảo vệ ĐVHD 1800 1522. Các phim ngắn của ENV có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, nhân vật nổi tiếng, mỗi phim thường được phát sóng trên hơn 50 kênh truyền hình trong cả nước. 

Bên cạnh các triển lãm bảo vệ tê giác tại các địa điểm cộng cộng, ENV đã triển khai chương trình “Vùng an toàn cho ĐVHD”. ENV phối hợp với hơn 300 các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp đặt các bảng thông tin về bảo vệ tê giác cũng như các loài ĐVHD khác tại lối vào và sảnh chính của trụ sở làm việc. Các tình nguyện viên của ENV cũng treo băng rôn tuyên truyền bảo vệ tê giác và các loài ĐVHD khác tại hơn 50 chợ trên cả nước.

Hướng tới những đối tượng có khả năng tiêu thụ sừng tê giác, các hoạt động truyền thông cũng được triển khai trong hệ thống các showroom ô tô của các hãng BMW, Mercedes - Benz, hay các sân golf, trung tâm thể dục thẩm mỹ và các chung cư, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Chiến Dịch Bảo Vệ Tê Giác

Một số sự kiện truyền thông nổi bật

  • Năm 2017, nhằm thể hiện quan điểm không ủng hộ buôn bán sừng tê giác tại Nam Phi, ENV triển khai hoạt động ký tên “Chúng tôi không cần sừng tê giác” do Tổ chức bảo vệ ĐVHD Born Free khởi xướng tại Việt Nam. Chiến dịch đã thu hút được hơn 10.000 chữ ký. Các sao Việt như Diva Hồng Nhung, nghệ sĩ Thanh Bùi, MC Phan Anh, Á hậu Huyền My, ca sĩ Đoan Trang, BTV Hoài Anh, ca sĩ Rocker Nguyễn… đã ký tên tham gia chiến dịch để cùng ENV lan tỏa thông điệp bảo vệ tê giác.
  • Tháng 5/2016, ENV và Tổ chức Bảo vệ Tê giác Thế giới (SRI) cùng phối hợp thực hiện chiến dịch “Việt Nam ơi, bảo vệ tê giác!” kéo dài hai tuần với sự tham gia của nam diễn viên, nhà sản xuất phim Hollywood Paul Blackthorne với nhiều hoạt động dành cho công chúng và đại diện các doanh nghiệp.

  • Tháng 12/2015, phối hợp cùng ENV, Câu lạc bộ chạy tình nguyện Red River Runners tổ chức giải chạy Sông Hồng thường niên lần thứ 9 với chủ đề “Chạy vì tê giác” nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nạn thảm sát tê giác bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ và sử dụng sừng tê giác. Sự kiện ý nghĩa này đã thu hút hơn 500 người Việt Nam và nước ngoài tham gia.
  • Trong hai năm liên tiếp, 2013 và 2014, ENV và tổ chức Rhinose Foundation phối hợp tổ chức chuyến thăm và làm việc cho đoàn đại biểu VN tại Nam Phi để trực tiếp chứng kiến những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn vong của tê giác tại Nam Phi trong mối liên hệ với hoạt động tiêu thụ ở Việt Nam. Đoàn đại biểu gồm Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, ca sỹ Hồng Nhung, phóng viên báo Lao Động, cán bộ cảnh sát môi trường và hải quan. Sau chuyến công tác, các thành viên đã có nhiều đóng góp thiết thực giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ tê giác tới cộng đồng.

Cùng chung tay bảo vệ Tê giác

  • Cam kết KHÔNG sử dụng, buôn bán hay tiêu thụ sừng tê giác và các sản phẩm từ tê giác.
  • Kêu gọi người thân, bạn bè và những người xung quanh không sử dụng sừng tê giác và các sản phẩm khác từ tê giác.
  • Thông báo tới đường dây nóng MIỄN PHÍ bảo vệ ĐVHD 1800 1522 nếu bạn phát hiện hành vi quảng cáo, buôn bán tê giác hay các sản phẩm từ tê giác tại Việt Nam.
  • Tham gia các hoạt động tình nguyện bảo vệ tê giác cùng ENV. Tìm hiểu thêm về hoạt động tình nguyện và đăng kí tại đây.
  • Ủng hộ tài chính cho các chiến dịch bảo vệ tê giác của ENV.

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522