Cứu hộ 477 cá thể động vật hoang dã trong nửa đầu năm 2021

admin

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ghi nhận 1.645 vụ việc vi phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD). Trong số đó, 1.111 vụ việc vi phạm được người dân thông báo qua đường dây nóng về bảo vệ ĐVHD 1800-1522. Nhờ sự phối hợp và vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng các địa phương, 477 cá thể ĐVHD còn sống đã được cứu hộ từ các vụ việc vi phạm hoặc được người dân tự nguyện chuyển giao.

Trong số các cá thể ĐVHD được cứu hộ thành công, có 272 cá thể (chiếm hơn 57%) là các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm bị nuôi nhốt, quảng cáo, buôn bán và vận chuyển trái phép. Các cơ quan chức năng cũng đã “giải cứu” 84 cá thể khỉ (chiếm gần 18%) đang bị nuôi nhốt để làm cảnh tại các nhà hàng, quán café và nhà dân.

Số ĐVHD còn sống còn lại được giải cứu bao gồm: 5 cá thể rùa biển, 9 cá thể gấu, 18 cá thể cu li, 10 cá thể mèo rừng, 4 cá thể tê tê, 7 cá thể trăn, 6 cá thể rái cá, 3 cá thể vượn, 8 cá thể chim săn mồi, 6 cá thể cú, 2 cá thể rắn hổ mang chúa, 1 cá thể cầy hương và 42 cá thể các loài ĐVHD khác.

Ngày 17/6, một đối tượng ở huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đã bị phát hiện nuôi nhốt trái phép 2 cá thể rái cá tại nhà riêng
sau khi đăng tải các hình ảnh, video nuôi rái cá lên mạng xã hội Tiktok. Đây là lần đầu tiên vi phạm về ĐVHD trên Tiktok bị xử lý.

Đặc biệt, chỉ trong tháng 5/2021, Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh đã cứu hộ thành công 58 cá thể ĐVHD (gồm 52 cá thể rùa, 5 cá thể chim và 1 cá thể khỉ) từ vụ việc buôn bán, nuôi nhốt trái phép và chuyển giao các cá thể ĐVHD đến trung tâm cứu hộ.

Cơ quan chức năng tiếp nhận 52 cá thể rùa tại một ngôi chùa ở TP. Hồ Chí Minh ngày 17/5. 
Nhu cầu phóng sinh rùa tại các chùa chiền đang làm gia tăng hoạt động săn bắt, buôn bán rùa trái phép.

Mỗi ngày, Phòng Bảo vệ Động vật hoang dã của ENV tiếp nhận trung bình 10 vụ việc có dấu hiệu vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo qua đường dây nóng 1800-1522. Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, ENV sẽ liên hệ với cơ quan chức năng có liên quan để chuyển giao thông tin vi phạm, hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình xử lý cũng như theo dõi vụ việc đến khi có kết quả cuối cùng và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD được thiết lập từ năm 2005 đến nay. 

Thông tin thêm:

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020) và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan, các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD (bao gồm cả hành vi quảng cáo hay nuôi nhốt trái phép ĐVHD) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 15 năm tù giam đối với cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức hình phạt lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân và 800 triệu đồng đối với pháp nhân.

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522