Đoàn Việt Nam sang Nam Phi để tìm hiểu về hậu quả của nạn tiêu thụ sừng tê giác

admin

Ngày 8/9/2014 tại Johannesburg, Nam Phi – Hôm nay, đoàn đại biểu Việt Nam gồm một ca sĩ nổi tiếng, một nhà báo uy tín, một đại diện đài truyền hình, một cán bộ hải quan và hai nhà bảo tồn động vật hoang dã đã đặt chân tới Nam Phi sau cuộc hành trình dài từ Việt Nam. 

 

Delegates arrive in Johannesburg

 

Ảnh: Đoàn đại biểu Việt Nam

(từ trái sang: Nhà báo Doãn Hoàng, ca sĩ Hồng Nhung, đại diện đài truyền hình, đại diện ENV, đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam)

 

Mục đích của chuyến đi này nhằm giúp các đại biểu trực tiếp chứng kiến những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn vong của tê giác tại Nam Phi và tìm hiểu nạn thảm sát tê giác để lấy sừng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam.

 

Niềm tin mù quáng vào tác dụng của sừng tê giác như một loại thần dược để chữa bách bệnh thậm chí cả ung thư, và việc sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp, địa vị, đã khiến nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ngày một gia tăng dẫn đến tình trạng thảm sát tê giác ở Nam Phi. Năm 2007, chỉ có 13 cá thể tê giác bị giết hại, nhưng đến năm 2013 con số này đã tăng  lên 1.004 cá thể (tăng gần 8.000%). Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, số lượng tê giác bị giết hại ít nhất là 695 cá thể. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa các loài tê giác trên thế giới sẽ bị  tuyệt chủng. Ở Việt Nam, cá thể tê giác một sừng cuối cùng đã bị giết hại vào năm 2010.

 

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và tổ chức Rhinose Foundation tổ chức chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu Việt Nam nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nỗ lực bảo vệ tê giác. Thông điệp bảo vệ tê giác cũng sẽ được truyền tải bởi người của công chúng hay các nhân vật có uy tín. Đoàn đại biểu bao gồm:

  • Ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Cục trưởng, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam
  • Ca sĩ Hồng Nhung
  • Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Lao Động
  • Ông Nguyễn Minh Dũng – Phó Trưởng phòng Phụ trách tổ nghiên cứu, phát triển sản xuất nội dung số, Ban biên tập Truyền hình Cáp, Đài Truyền hình Việt Nam
  • Bà Vũ Thị Quyên – Giám đốc điều hành, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)

Trong chuyến làm việc, các đại biểu sẽ tới thăm Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi), điểm nóng về nạn thảm sát tê giác, nơi đã mất đi ít nhất 418 cá thể tê giác chỉ riêng trong năm nay. Đồng thời, đoàn đại biểu sẽ gặp và làm việc với các chuyên gia, kiểm lâm và các nhóm bảo tồn tại đây để hiểu rõ hơn về những khó khăn họ gặp phải trong nỗ lực bảo vệ tê giác. Với cương vị là những khách mời của Vườn quốc gia Kruger, đoàn đại biểu sẽ đi trực thăng tuần tra sâu vào rừng rậm chậu Phi, nơi mà rất có thể họ sẽ chạm trán với những kẻ săn trộm, hoặc chứng kiến những cảnh rùng rợn của tê giác vừa bị giết hại. Đoàn đại biểu hy vọng cũng có thể nhìn thấy tê giác hoang dã khi đi bộ trong khu vực vườn quốc gia hay được thấy sư tử và những loài động vật kỳ thú khác.

 

Đây là năm thứ hai tổ chức Rhinose Foundation và ENV phối hợp tổ chức chuyến thăm và làm việc cho đoàn đại biểu Việt Nam tại Nam Phi. Thông tin về các hoạt động của đoàn Việt Nam năm 2013 được đưa tin trên gần 200 chuyên mục của các kênh truyền thông: báo chí, truyền hình và đài phát thanh cả nước. Tiếp nối thành công đó, mục tiêu của chuyến đi năm nay là thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm từ các phương tiện truyền thông đại chúng để truyền tải những sự thật đau lòng của nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi tới công chúng Việt Nam và thúc đẩy họ hành động để bảo vệ tê giác trên toàn thế giới.

Các nhà báo có thể dõi theo các hoạt động của đoàn đại biểu tại Nam Phi và lắng nghe những chia sẻ trải nghiệm của họ tại:

ENV xin gửi lời cảm ơn tới tổ chức Rhinose Foundation và Humane Society International (Australia) đã tài trợ cho chuyến đi quan trọng này.

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522