Năm 2013 sẽ có khoảng... 800 con tê giác bị săn trộm

admin

Nhìn cảnh con tê giác thứ 397 của Kruger bị giết trong năm 2013, chúng tôi ai cũng ứa nước mắt. Cả Nam Phi, tính đến thời điểm chúng tôi có mặt ở thủ phủ tê giác thế giới này, đã có tới hơn 660 con tê giác bị bắn chết, chặt trộm sừng. Tất cả các tổ chức liên quan đến tê giác, đều thống thiết đưa ra dự đoán: Năm 2013, ít nhất 800 con tê giác sẽ bị kết liễu theo cái cách kể trên

 Một đầu tê giác nằm trong rừng già Nam Phi, các vết rìu chặt lấy sừng vẫn còn nham nhở Ảnh: Đ.D.H 

...Kiểm lâm viên lão luyện, với lúc lỉu dụng cụ, súng ống, vừa bước ra khỏi trực thăng là xăm xăm băng qua các trảng cỏ, các rừng gai nhọn để đến hiện trường càng nhanh càng tốt. Một nam và một nữ kiểm lâm trực tiếp khám nghiệm hiện trường, số còn lại bồng súng đứng canh gác bốn phía. Máy dò kim loại chạy bim bíp, tiếng rít khe khẽ mà chợn rợn, các đầu đạn, vỏ đạn được thu nhặt lại. 

Đầu con tê giác, sau khi bị đám linh cẩu và kền kền ăn hết thịt da, trơ lớp xương trắng và các cụm gân đỏ trắng cho thấy con vật mới chỉ bị sát hại cách đây chưa lâu. Đám kền kền đán nhau để tranh ăn, còn để lại rất nhiều lông rụng quanh khu vực. Đầu con tê giác bị các nhát rừu bổ nham nhở, xương sọ vỡ nứt, các vết rừu chém còn rõ rành rành.

Da con vật đến từ thời tiền sử, sau khi bị con người và hoang thú “tận thu”, cứ nằm cứng quèo trong nắng gió. Da tê giác sắp khô, rất dày và cứng, trông nó như một con thuyền cũ nằm úp. Cán bộ kiểm lâm lật chổng kềnh nó ra, bụi bốc lên mù mịt, mùi hôi thối như ủ kín cả dải rừng. 

Các nhà khoa học cho biết: Tê giác cùng những loài động vật khổng lồ như chúng, đến từ vài chục triệu năm trước, “thế hệ” chúng đã gắn bó với mặt đất này từ cái hồi chúng có trọng lượng lên tới... 30 tấn. Da của chúng làm từ một chất keo đặc biệt, được xắp xếp theo cấu trúc mắt lưới, có thể dày tới... 7cm. 

Con tê giác trắng mà chúng tôi đã gặp, đang “khám nghiệm tử thi” đây, là loài vật tối cổ, là báu vật thiên nhiên của nhân loại. Nó cũng là một biểu tượng thiêng của Châu Phi. 

Một kiểm lâm bảo vệ 60km2 rừng

Vì sao mỗi năm có sáu -  bảy - tám trăm con tê giác bị giết một cách tàn độc như vậy? Vì tiền. Tất cả các câu hỏi kiểu đó của tôi, dành cho cán bộ kiểm lâm, an ninh và bảo tồn ở nước bạn mà tôi đã gặp, thì đều nhận được câu trả lời là: Vì sừng tê giác được bán quá đắt, đắt sánh với vàng và kim cương. 

Nhìn từ trực thăng, rừng Châu Phi nơi này không có núi, không có cây cao, nó cứ mênh mông, đường chân trời cong vòm xa vút như mặt biển. Bọn săn trộm có trực thăng và súng hiện đại, chúng chia 15 toán quân lùng sục trong 2 triệu hécta rừng Kruger - và mấy chục toán trong mấy chục cái rừng, safari khác - làm sao ngăn chặn được? 

Dẫu Kruger có hai máy bay trực thăng, có 800 người tham gia bảo vệ rừng, nhưng chia tỉ lệ quá rộng của kho báu thiên nhiên 200.000km2 này ra, thì 1 kiểm lâm phải phụ trách 60km2 diện tích để bảo vệ. Xin thưa, nếu chỉ tuần tra một cung đường dài 60km mà rải nhựa đi nữa, thì cũng không xuể, chứ đừng nói 60km2 rừng với các loài mãnh thú khổng lồ, hung dữ, rừng thì chỗ nào cũng là... cửa vào, cửa ra.

Dĩ nhiên, cái khó nhất, vẫn là giá bán “chợ đen” của sừng tê giác quá đắt đỏ: Khoảng 65.000USD một cái! Thực tế là suốt bao nhiêu năm ròng, kể cả những thời gian hàng nghìn con tê giác bị Chính phủ Nam Phi cho phép những kẻ rửng mỡ hạ sát, nhồi làm mẫu vật khênh đi như những chiến lợi phẩm - thì tê giác Nam Phi không hề bị săn trộm khủng khiếp như bây giờ. 

Con số tăng từng ngày, mỗi ngày trôi qua có hơn 2,5 con tê giác bị bắn chết, 9 tháng đầu năm 2013, số tê giác bị sát hại đã lên tới hơn 660 con, bằng con số này của cả năm 2012. Lý do cho bi kịch này thì có nhiều, trong đó có cả chính sách bảo vệ tê giác, động vật và thiên nhiên nói chung ở Nam Phi còn không ít bất cập, thiếu chặt chẽ dễ dẫn đến việc “các tổ chức tội phạm” lợi dụng làm càn. Trong đó có cả lý do không ít cán bộ liên quan tha hóa, gián tiếp hoặc trực tiếp sát hại tê giác. 

Nam Phi được thế giới ghi nhận là quốc gia đi đầu thế giới, với nhiều thành công thứ thiệt trong việc bảo tồn tê giác nói riêng và động - thực vật nói chung từ cả trăm năm trước. Nhưng, cũng vì không thể từ chối các “quả trứng vàng” khổng lồ từ du lịch, nên họ đã cho phép người ta săn bắn tê giác làm chiến lợi phẩm suốt một thời gian dài. Lợi dụng điều này, các “tổ chức tội phạm” từ Á Châu đã xâm nhập vào, thậm chí chúng cài cả... gái điếm vào “đánh trống ghi tên” để săn tê giác, mục đích là lấy cái sừng về bán, thu bộn tiền. 

Từ năm 2009 đến năm 2012, có đến 185 người Việt Nam sang Nam Phi bắn tê giác khênh về “làm chiến lợi phẩm” (chiếm 48% tổng số người nước ngoài đến Nam Phi làm việc này). Từ năm 2003 đến giữa năm 2012, các thợ săn Việt Nam đã tiêu tốn số tiền khổng lồ cho việc này: 22 triệu USD Mỹ. Trong số 43 vụ bắt giữ đối tượng liên quan đến sừng tê giác đến từ Châu Á gần đây, có tới 56% số thủ phạm là người Việt Nam. 

Người sử dụng sừng tê giác đang bị đầu độc ra sao?

Chúng tôi có đến thăm mô hình Safari do tư nhân quản lý. Đại ý là một khu bảo tồn khá rộng, có đủ loài thú lớn quý hiếm, do một đại gia làm chủ, họ đón khách như đón những ông bà hoàng. Các chủ đất tư nhân với trại nuôi phục vụ du lịch và săn bắn kiểu này phủ trên một diện tích rộng hơn cả vườn quốc gia của nhà nước và địa phương quản lý. Họ từng có công lớn trong việc bảo tồn tê giác, giúp sinh sản thêm nhiều nghìn cá thể trong thời gian trước đây. Đến năm 2010, 25% số tê giác của Nam Phi thuộc sở hữu tư nhân.  
Tuy nhiên, các nguồn tin tức được các đơn vị điều tra công bố cho thấy: Sản phẩm sừng tê giác bị “móc ngoặc” để săn trộm, để bán ra khỏi kho (ví dụ tê giác chết, sừng giữ lại trong kho của Safari) đã xảy ra. Năm 2010, Chính phủ Nam Phi đã ra thông báo về hơn 15 tấn sừng tê giác, trong đó có tới 12% số này đang thuộc sở hữu tư nhân. 

Nhiều cáo buộc liên quan đến sự tiếp tay của các cán bộ trong “ngành công nghiệp trại nuôi Nam Phi”, kể cả các phi công, thợ săn chuyên nghiệp, bác  sĩ thú y... cho các đường dây săn, buôn sừng tê giác.  Đấy là chưa kể, có ít nhất 65 sừng tê giác bị đánh cắp khỏi bảo tàng và các khu trưng bày khác ở Nam Phi, ít nhất 46 sừng tê giác khác được thông báo đã “không cánh mà bay” khỏi các học viện, bảo tàng ở Châu Âu.

Trước tình trạng nóng bỏng đo, người Nam Phi kêu gọi người của nhân loại tiến bộ cùng chung tay “giảm cầu” ở các quốc gia có niềm tin kỳ quái vào giá trị “thần dược” của việc sử dụng sừng tê giác. Thậm chí, một số Safari bị khốc hại vì săn trộm, họ buộc phải thực hiện một phương án “cùn”: Bắn thuốc mê, cắt sừng con tê giác ngoài hoang dã kia đem vào... nhà kho lưu giữ. 

Chỉ có đem “cất sừng vào kho”, thì tê giác mới có cơ hội sống sót trước các toán thợ săn. Thậm chí, người ta còn tiêm thuốc độc vào sừng tê giác họ đang quản lý, để kẻ săn trộm “chừa” con vật tội nghiệp ra.

Trong một hội thảo ở thủ đô Johannesburg, chúng tôi đã đặt vấn đề rất... “chợ đen Việt Nam” như sau: Tiêm thuốc độc vào sừng tê giác sẽ không thể đạt được mục đích mong muốn, mà quá tốn kém. Bởi mấy lý do: Bọn săn trộm nó có được “tập huấn” thế nào là sừng tê giác đã tiêm thuốc độc đâu. Nó cứ bắt, bắn, giết, cứ cắt sừng và sau 48 tiếng máu đổ trong rừng Nam Phi, cái sừng ấy về đến Việt Nam chẳng hạn. Người mua để mài uống chữa “bách bệnh”, để biếu tặng bằng tiền tấn nhằm “đổi lấy cơ hội tốt”..., họ đâu có được tập huấn để tránh cái sừng tiêm thuốc độc? 

Qua điều tra của chúng tôi, người tiêu dùng nước ta cứ truyền tai nhau, sừng tê giác có ánh tím, ánh đỏ, ánh hồng mới là sừng xịn, mài uống đi, biếu tặng đi. Đấy là chưa kể, hầu hết sừng tê giác ở Việt Nam là sừng giả. Các làng làm xương, làm sừng động vật giả ở Bắc miền Trung nước ta, họ làm được các sợi “tóc” kết lại thành sừng, mài ra hoặc đốt lên thì mùi càng “như thật”. Nó giống sừng tê giác hơn cả sừng tê giác, nhưng thật ra nó là nilon và sừng trâu được phù phép. 

Đáng sợ hơn, như GS Nguyễn Lân Dũng - một con người khả kính, có uy tín đặc biệt trong giới nghiên cứu về sinh học, động vật - đã tâm huyết nói nhiều lần trên báo Việt Nam, trong các hội thảo lớn: Sừng tê giác như sừng trâu, đàn ông uống vào thì có nguy cơ tán khí, liệt dương. 

 

Tin liên quan

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Bởi admin Bình luận

[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…

Xem Thêm
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

Bởi admin Bình luận

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522