Năm 2019: Cần tuyên chiến mạnh hơn với loại hình tội phạm về ĐVHD trên Internet

admin

Thời gian gần đây, liên tiếp các thông tin vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) được phát hiện qua Internet khiến dư luận phẫn nộ. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này và cần làm gì để có thể xử lý triệt để vấn đề trong thời gian tới?

 

Internet – Hiểm họa mới cho các loài ĐVHD

Nền kinh tế Việt Nam phát triển đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD của nhiều người. Cùng với đó, sự phát triển như vũ bão của Internet ở Việt Nam với hơn 50 triệu người dùng tính đến cuối năm 2017 (theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông) đã biến nơi đây thành “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ phạm tội thực hiện các hành vi vi phạm về ĐVHD.

Với tốc độ lan truyền chóng mặt, thông tin quảng cáo các cá thể ĐVHD trên Internet có khả năng tiếp cận với những người có nhu cầu một cách dễ dàng, nhanh chóng. Cùng với đó, do bản chất là một môi trường ảo, các đối tượng thường xuyên thay đổi tài khoản, thông tin đăng tải có thể thay đổi và dỡ bỏ rất nhanh chóng nên việc xác định lai lịch đối tượng và thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn, khiến tình hình tội phạm về ĐVHD trên Internet ngày càng diễn biến phức tạp.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018, ENV đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về ĐVHD trên Internet với khoảng hơn 1,200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm. Các sai phạm thường gặp chủ yếu là hành vi rao bán và quảng bá việc lưu giữ trái phép các loài hoặc bộ phận, chế xuất loài ĐVHD, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế như hổ, gấu, cu li, rái cá,…

Cộng đồng không còn “thờ ơ” trước các hành vi phản cảm với ĐVHD

Thời gian gần đây, nhiều hình ảnh giết hại các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm rồi đăng trên mạng xã hội để khoe chiến tích gây phẫn nộ cộng đồng mạng. Sau khi đăng tải, những hành vi sát hại dã man các cá thể ĐVHD đã bị cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ. Nhiều người đã để lại các bình luận chỉ trích, thậm chí lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng vào cuộc để điều tra và xử lý các đối tượng. Điều này cho thấy cộng đồng đang ngày càng có nhận thức đúng đắn cũng như thái độ quyết liệt trước những hành động gây tổn hại đến các loài ĐVHD. Chính cộng đồng lúc này sẽ góp tiếng nói lớn nhất trong việc lên án các hành vi phản cảm với các loài ĐVHD, đồng thời đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các nỗ lực đấu tranh với tội phạm về ĐVHD.
Trong năm 2017, nhờ thông báo vi phạm từ những người dân, ENV đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý 219 trường hợp vi phạm về ĐVHD trên Internet, gỡ bỏ nhiều đường dẫn vi phạm cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng tịch thu, chuyển giao nhiều cá thể ĐVHD còn sống. Riêng trong trong tháng 11 vừa qua, 106 đường dẫn chứa vi phạm liên quan đến ĐVHD trên Internet được gỡ bỏ phần lớn nhờ tin báo từ người dân thông qua đường dây nóng bảo vệ ĐVHD 1800-1522.

Tiếp tục tăng tính răn đe

Cùng với sự tham gia của cộng đồng, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực tăng cường công tác điều tra, bắt giữ góp phần đẩy lùi tội phạm về ĐVHD trên Internet.

Cuối tháng 12 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố một đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép trên mạng Internet. Trước đó, vào tháng 5/2018, nhờ tin báo của một người dân đến đường dây nóng 1800-1522, đối tượng đã bị bắt giữ khi đang buôn bán 08 móng gấu. Cũng mới đây, hai đối tượng ở Bình Dương đã bị khởi tố vì hành vi quảng cáo các sản phẩm từ ĐVHD trên mạng xã hội. Cụ thể, tháng 5/2018, ENV nhận được thông tin về một đối tượng sử dụng tài khoản Zalo và Facebook nhằm quảng cáo, rao bán nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Ngày 9/10 vừa qua, Cảnh sát thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã bắt giữ đối tượng đồng thời tịch thu 18 móng và răng hổ, móng gấu và báo gấm tại nhà đối tượng. Trước đó tháng 8/2018, nhờ thông báo của người dân qua đường dây nóng 1800-1522, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ đối tượng quảng cáo các sản phẩm từ ĐVHD trên Facebook và tịch thu một miếng da hổ, 5 đồng hồ làm từ da hổ, 19 móng hổ, 210 móng gấu và hơn 1kg sản phẩm từ ngà voi. Trước đó, cuối tháng 6, 1,1kg sừng tê giác đã bị Đội phòng chống buôn lậu Công an thành phố Hà Nội tịch thu từ một đối tượng sử dụng Facebook để rao bán.

Không chỉ những hành vi vi phạm liên quan đến những sản phẩm “xa xỉ” như ngà voi, sừng tê mới được chú trọng, đầu tháng 9/2018, Công an huyện Bá Thước, Thanh Hóa đã tiến hành tịch thu một bình rượu 12 lít ngâm 02 chân gấu bị một đối tượng quảng cáo trên Facebook.

Bà Bùi Thị Hà – Giám đốc Phòng Chính sách và Pháp luật ENV bày tỏ: “Chúng tôi hiểu các cơ quan chức năng có liên quan phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong việc xử lý các vi phạm trên Internet. Tuy vậy, với những thành công của năm 2018, ENV hi vọng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, để những đối tượng đang và có ý định sử dụng Internet như một công cụ phạm pháp không thể tiếp tục coi thường pháp luật.”

Bên cạnh đó, ENV đã triển khai hoạt động phối hợp với một số công ty quản lý những ứng dụng trên Internet nhằm xóa bỏ và ngăn ngừa các vi phạm về ĐHVD. Tiêu biểu, từ tháng 5/2018, Facebook đã xóa bỏ 920 đường dẫn, 76 trang và 155 tài khoản quảng cáo bán ĐVHD trái phép trên trang mạng xã hội này sau khi nhận được thông báo vi phạm từ ENV. Tháng 7 vừa qua, cơ quan chủ quản của trang thương mại điện tử Shoppee cũng đã bổ sung điều khoản trong “Quy định về đăng bán sản phẩm trên Shoppee” trong đó nghiêm cấm đăng bán sản phẩm là động vật và chế phẩm từ động vật (bao gồm ĐVHD).

 

Bà Hà tiếp tục chia sẻ:“ENV kêu gọi các trang thương mại điện tử và các ứng dụng mua bán trực tuyến tại Việt Nam xây dựng các cơ chế giám sát, gỡ bỏ các bài rao bán trái phép, trở thành các trang mua sắm lành mạnh, không đăng bán sản phẩm vi phạm pháp luật. Điều này sẽ góp phần thể hiện trách nhiệm trong việc xử lý, hạn chế các hành vi phạm tội liên quan tới ĐVHD – một vấn đề đang diễn biến hết sức phức tạp ở Việt Nam.

 


Quy định xử phạt đối với hành vi quảng cáo kinh doanh ĐVHD


• Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 15 Nghị định 157/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 40/2015/NĐ-CP), hành vi quảng cáo kinh doanh về động vật rừng trái quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng
• Đối với loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP; loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES; loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, do là mặt hàng cấm kinh doanh theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP, Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) nên việc quảng cáo các loài này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70-100 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Tin liên quan

HÀ NỘI: BẮT GIỮ “ÔNG TRÙM” BUÔN LẬU ĐỘNG VẬT HOANG DÃ XUYÊN QUỐC GIA

HÀ NỘI: BẮT GIỮ “ÔNG TRÙM” BUÔN LẬU ĐỘNG VẬT HOANG DÃ XUYÊN QUỐC GIA

Bởi admin Bình luận

Ngày 10/7/2024, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522