TP. Hồ Chí Minh: Tọa đàm “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và Thách thức”

admin

KHÔNG đối tượng nào đứng sau gần 60 tấn động vật hoang dã bị vận chuyển trái phép về Việt Nam từ 2018 đến nay bị xử lý!

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD). Chỉ tính riêng trong năm 2021, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 144 vụ án vi phạm về ĐVHD bị phát hiện, trong đó 133 vụ án bắt giữ được các đối tượng có liên quan, chiếm 92,4% trên tổng số các vụ án vi phạm về ĐVHD. Tính đến thời điểm hiện nay, 60,2% các vụ án có đối tượng bị phát hiện trong năm 2021 cũng đã truy cứu trách nhiệm hình sự thành công các đối tượng phạm tội.

Bên cạnh đó, 47,9% các vụ án có đối tượng bị đưa ra xét xử về tội phạm liên quan đến ĐVHD trong năm 2021 đã bị áp dụng hình phạt tù giam với mức hình phạt tù giam trung bình cho các đối tượng phạm tội là 3,83 năm. Đây là tỷ lệ và mức hình phạt tù giam trung bình được duy trì kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực (ngày 1/1/2018).

Những kết quả này đã bước đầu cho thấy quyết tâm rất lớn của các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam trong nỗ lực xử lý tội phạm về ĐVHD – loại tội phạm hiện đang được đánh giá là “rất nghiêm trọng” này.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là một thị trường tiêu thụ ĐVHD lớn và là địa điểm trung chuyển quan trọng đưa ĐVHD đến các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Theo nhiều nguồn tin, hiện nay, đã hình thành nên các đường dây tội phạm do người Việt Nam cầm đầu với lực lượng trải rộng cả ở châu Phi và Việt Nam chuyên thu gom, vận chuyển trái phép hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác về Việt Nam và đưa đi tiêu thụ trong, ngoài nước.

Ngày 11/1/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức khám xét hàng hóa trong một container có dấu hiệu nghi ngờ từ Nigeria về Cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) và phát hiện 456kg ngà voi và 6,2 tấn vảy tê tê bị vận chuyển trái phép về Việt Nam. Vụ án này cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục là “điểm đến” của hoạt động vận chuyển ĐVHD trái phép nếu không có các giải pháp xử lý triệt để.

Số liệu từ Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV cho thấy chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, gần 60 tấn ngà voi và vảy tê tê đã bị phát hiện và thu giữ tại các khu vực cảng biển của Việt Nam. Dẫu vậy, cho đến thời điểm hiện nay, KHÔNG có bất kì đối tượng nào đứng sau những đường dây thu gom, buôn bán, vận chuyển trái phép số lượng rất lớn ĐVHD nói trên từ nước ngoài về Việt Nam bị đưa ra xét xử.

Việc điều tra, bắt giữ và xử lý những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD quy mô lớn có yếu tố xuyên quốc gia là không hề dễ dàng bởi những đối tượng này thường không phải là những người trực tiếp thực hiện các thủ tục hải quan hay thậm chí cũng không phải là những người thu gom, đóng gói ĐVHD để đưa vào các công-ten-nơ vận chuyển trái phép về Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm không thể thực hiện nếu các cơ quan chức năng thực sự quyết tâm và nhận thấy sự cần thiết phải xử lý “tận gốc” vấn đề buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Việc thu giữ hàng tấn ĐVHD bị buôn bán, vận chuyển trái phép là rất quan trọng. Thế nhưng đã đến lúc chúng ta cần nhìn xa hơn là chỉ thu giữ tang vật! Phát hiện, thu giữ tang vật chỉ nên là điểm khởi đầu của một chuyên án xử lý tội phạm về ĐVHD. Các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực điều tra, xác minh và sử dụng mọi thông tin có thể khai thác từ các vụ thu giữ tang vật ban đầu này để tìm ra những đối tượng cầm đầu, xử lý nghiêm minh các đối tượng này theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ khi những đối tượng cầm đầu bị xử lý, chúng ta mới có thể cho các đối tượng này và những đối tượng khác thấy được rủi ro từ hoạt động buôn bán mang lại lợi nhuận bất chính đặc biệt lớn này.”

Trong quá trình điều phối hoạt động mua bán, thanh toán, vận chuyển trái phép ĐVHD, những kẻ phạm tội nói chung và tội phạm về ĐVHD nói riêng chắc chắn sẽ để lại dấu vết và bằng chứng dù lớn hay nhỏ. Các tài khoản được dùng để thanh toán tiền hàng và phí vận chuyển, thông tin liên lạc kết nối các bộ phận khác nhau của đường dây, máy tính cá nhân và điện thoại của một số đối tượng tình nghi đều là các nguồn có thể được xem xét trong quá trình điều tra. Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật có thể mở rộng ra ngoài các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD nhằm tìm ra cách tốt nhất để điều tra và khởi tố một đối tượng cầm đầu. Ví dụ:

  • Pháp luật về rửa tiền cho phép khởi tố những đối tượng chuyển hoặc rửa tiền thông qua các doanh nghiệp hợp pháp.
  • Pháp luật về trốn thuế cho phép khởi tố những đối tượng có thu nhập đáng kể hoặc tài sản không phản ánh đúng thu nhập chịu thuế và tịch thu tài sản bất hợp pháp của chúng.
  • Pháp luật về gian lận trong kinh doanh nghiêm cấm các doanh nghiệp hoạt động với mục đích “trá hình” cho hoạt động phạm tội.

Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước khác trong các vụ việc có tính chất xuyên quốc gia cũng là cơ hội để có thể bắt giữ, xử lý triệt để các đối tượng phạm tội về ĐVHD, nếu không phải tại Việt Nam thì sẽ là tại các quốc gia khác.

ENV mong muốn việc xử lý các vi phạm về ĐVHD tại khu vực cảng nói riêng và cảng biển nói chung sẽ nhận được sự quan tâm sâu sắc của Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan thực thi pháp luật tại các quốc gia nguồn ở khu vực châu Phi để có thể xử lý triệt để, để Việt Nam sẽ không còn tiếp tục là “điểm đến” của hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác trong tương lai.

 

Thông tin thêm:

Trong sáng ngày 10/5/2022, ENV tổ chức buổi tọa đàm với các cơ quan, phóng viên báo chí thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh về “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã - Thành tựu và thách thức”. Bên cạnh việc chia sẻ thành tựu, thách thức và cơ hội của Việt Nam trong lĩnh vực này, ENV kêu gọi các cơ quan báo chí phát huy hơn nữa vai trò chủ động, tích cực trong các nỗ lực phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã thông qua việc nâng cao nhận thức của về tính nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã với cả cơ quan hữu quan và cộng đồng; khuyến khích các thành tựu và nỗ lực của Chính phủ; cùng với đó cần tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm và hành động của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; và tăng cường tuyên truyền và phổ biến pháp luật, tạo tính răn đe trong cộng đồng.

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522