Việt Nam tăng cường bảo vệ rùa biển quý hiếm

admin

Ngày 26/7 vừa qua, Phòng Cảnh sát chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Khánh Hòa đã giải cứu một cá thể rùa Vích đang bị nuôi nhốt tại một nhà hàng trên địa bàn thành phố Nha Trang. Đầu tháng 6 vừa qua, 72 tiêu bản rùa biển quý hiếm đã bị tịch thu khi đang được trưng bày tại một cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở thành phố Vũng Tàu. Sau đó không lâu, hai cửa hàng bán đồ lưu niệm ở tỉnh Kiên Giang đã bị phát hiện bày bán 47 tiêu bản Đồi mồi quý hiếm. Cũng trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7, hai cá thể rùa Vích bị nuôi nhốt ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương cũng đã được cơ quan chức năng giải cứu và thả về vùng biển địa phương. Đây chỉ là một số nhỏ những vi phạm đã được phát hiện và xử lý. Điều này các cho thấy vi phạm về rùa biển hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, đe dọa sự tồn vong của loài sinh vật biển dễ thương này. 

Rùa biển được giải cứu và thả về biển ở Nha Trang

Việt Nam là nơi cư trú của 5 loài rùa biển: Rùa da, Rùa xanh/Vích, Đồi mồi, Quản đồng và Đồi mồi dứa. Tất cả các loài này đều được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ sản phẩm/bộ phận của chúng (bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật) sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam. Dù vậy, các loài rùa biển của Việt Nam hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng mà nguyên nhân phần lớn gây ra bởi các hoạt động của con người. 

Trong số 5 loài rùa biển, Đồi mồi là loài đang bị suy giảm số lượng nghiêm trọng. Mặc dù có vai trò rất quan trọng với hệ sinh thái vì chúng ăn bọt biển, giữ cho rạn san hô khỏe mạnh, số lượng cá thể Đồi mồi đã giảm tới 80% chỉ trong thế kỉ trước, chủ yếu do bị săn bắt để lấy mai nhằm chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ như trang sức, lược, gọng kính,... Theo thông tin từ các tổ chức bảo tồn, hiện chỉ còn 15,000 cá thể Đồi mồi cái trưởng thành trên toàn thế giới. Loài Vích cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự khi chúng chỉ có khoảng 1/1000 cơ hội sống sót đến tuổi trưởng thành. Trong vòng 5 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 150.000 cá thể Vích non trở về đại dương. Theo tỉ lệ trên, số lượng Vích có thể đạt đến tuổi trưởng thành sẽ chỉ còn khoảng 150 cá thể mỗi năm. Theo nghiên cứu năm 2016 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), những năm gần đây, loài Đồi mồi dứa cũng chỉ còn khoảng 10 con lên đẻ mỗi năm tại một số bãi biển thuộc khu vực Bái Tử Long và tỉnh Quảng Bình. Tại bán đảo Sơn Trà, Đồi mồi dứa hoàn toàn không còn xuất hiện kể từ năm 2015. 

Trước tình hình đó, việc tăng cường các hoạt động thực thi pháp luật bảo vệ rùa biển là vô cùng cần thiết.

Đặc biệt, việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như đưa ra xét xử các đối tượng buôn bán, vận chuyển rùa biển và trứng rùa biển là một trong những biện pháp hiệu quả để răn đe, phòng ngừa vi phạm liên quan và khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật. Tháng 9/2017, Côn Đảo đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành xử lý hình sự vi phạm liên quan đến trứng rùa biển, tiên phong mở đường cho các địa phương khác noi theo để cùng chung tay bảo vệ loài rùa biển. Ngày 4/6 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã tuyên phạt Hoàng Tuấn Hải bốn năm sáu tháng tù giam về hành vi thu gom, chế tác và buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển được các cơ quan chức năng phát hiện vào cuối năm 2014 - vụ án được cho là có số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất trên thế giới. Đây được đánh giá là mức phạt tù dài nhất liên quan đến các vi phạm về rùa biển ở Việt Nam tính đến bây giờ, cho thấy sự cần thiết của việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đưa ra xét xử các đối tượng tàng trữ, buôn bán, vận chuyển rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển trong việc răn đe, phòng ngừa vi phạm liên quan.

Thêm vào đó, hoạt động nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rùa biển đã và đang được nhiều địa phương quan tâm chú trọng, nhằm truyền tải sâu rộng thông điệp bảo vệ rùa biển. Chính cộng đồng sẽ trở thành nhân tố quan trọng đóng góp vào các nỗ lực bảo vệ loài sinh vật biển này.

Một cá thể Vích bị nuôi nhốt trong 1 nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh

Chị Thái Thị Thủy, một người dân Côn Đảo - Địa phương có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất cả nước chia sẻ: “Bản thân mình sẽ không tiêu thụ rùa biển cũng như những sản phẩm từ rùa biển. Tiếp nữa mình sẽ tuyên truyền cho mọi người đặc biệt là những người trong gia đình về việc không tiêu thụ rùa biển. Khách du lịch đến Côn Đảo mình cũng sẽ tuyên truyền như vậy và cùng nhau bảo vệ môi trường để rùa biển đến với Côn Đảo ngày càng nhiều hơn.

Chị Mai Thị Việt Nguyệt – Giám đốc Công ty TNHH Dịch Vụ – Du Lịch Nắng Côn Đảo thể hiện mong muốn: “Đại diện cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bản thân mình luôn mong muốn các công ty du lịch nên bảo vệ rùa biển vì như thế mình mới có được tiềm năng để khai thác du lịch về sau chứ không chỉ làm về hiện tại, trước mắt, không chỉ thời điểm bây giờ mà còn lâu dài, đời mình, đời con mình, đời cháu mình và đời tất cả những con người đang sống ở vùng Côn Đảo này.

Mỗi cá nhân cũng có thể tham gia vào các hoạt động bảo vệ rùa biển bằng cách không mua bán thịt, trứng rùa biển và đồ lưu niệm làm từ chúng, giữ môi trường biển trong lành, thông báo các vi phạm liên quan như săn bắt, nuôi nhốt trái phép, quảng cáo và buôn bán các sản phẩm từ rùa biển tới cơ quan chức năng địa phương hoặc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) qua đường dây nóng 1800-1522. Hãy cho rùa biển cơ hội sống, bởi bảo vệ rùa biển là bảo vệ tương lai của chúng ta và các thế hệ mai sau.

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522