Bảo tồn “nhỏ giọt”, voi chết dần

admin

Từ đầu năm đến nay, Đắk Lắk có 3 con voi nhà bị chết làm đàn voi nhà tỉnh này giảm chỉ còn 45 con. Riêng voi rừng, có 2 con bị giết hại và hiện chưa thể thống kê chính xác nơi đây còn bao nhiêu voi rừng. Việc bảo tồn voi chậm trễ của tỉnh này đang làm những chú voi cuối cùng “chết dần, chết mòn”...

Vào năm 2006, dự án bảo tồn voi Việt Nam được Chính phủ phê duyệt triển khai tại 3 tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk và Nghệ An. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương đầu tiên lập trung tâm bảo tồn voi. Từ năm 2011, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đi vào hoạt động với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và sinh sản của đàn voi nhà; giám sát voi rừng. Nhưng trung tâm này hoạt động chỉ trên danh nghĩa vì trụ sở phải đi mượn và thiếu chuyên gia, bác sĩ chăm sóc voi. Đến ngày 30-3 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk mới có quyết định giao 200ha đất rừng khộp tái sinh ở tiểu khu 462, thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) để xây dựng Trung tâm bảo tồn voi.

Vào năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí tăng gần 85 tỷ đồng (thay cho “Dự án Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2010 - 2015). Nhưng trong số 85 tỷ đồng thực hiện dự án, có 60% kinh phí từ Trung ương, số còn lại do ngân sách của tỉnh và tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Do nguồn kinh phí từ Trung ương chưa được cấp, hiện tỉnh chỉ cấp kinh phí theo kiểu “nhỏ giọt” nên trung tâm chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên. Nếu có đủ kinh phí, trung tâm này cũng cần ít nhất 3 năm nữa mới xây dựng và hoàn thiện được các hạng mục như: bệnh viện voi, khu chăn thả voi... Vì thế, hiện trung tâm này chưa có các chuyên gia và máy móc để cứu chữa, điều trị cho những con voi bị ốm hay gặp nạn.

Việc bảo tồn diễn ra ì ạch nên từ năm 2007 đến năm 2014 đã có 21 con voi nhà và 17 con voi rừng bị chết. Dù các cơ quan chức năng địa phương xác định voi nhà chết vì già yếu, nhưng các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân voi chết là do bị khai thác quá sức (voi phục vụ du lịch, sản xuất) và không được chăm sóc tốt (chế độ ăn uống, chăn thả…). Voi nhà Đắk Lắk vốn là voi rừng được săn bắt và thuần dưỡng, nên đời sống, tập quán sinh hoạt của chúng vẫn giữ nguyên những thói quen hoang dã. Vì thế, nhu cầu về thức ăn trong ngày của một con voi nhà rất lớn (khoảng 3 tạ cỏ và hàng trăm lít nước) và voi còn có thói quen ăn uống lai rai liên tục từ 70% - 80% thời gian trong ngày. Khi về buôn làng, voi phải phục vụ cho nhu cầu du lịch của con người, khẩu phần ăn lại thấp và mắc bệnh nhưng không được chữa trị kịp thời. Bởi thế, voi nhà cứ “chết dần, chết mòn” khi bị vắt kiệt sức. Còn việc chuyển đổi diện tích lớn đất rừng sang trồng cây công nghiệp cũng đã khiến môi trường sống của voi rừng bị thu hẹp (từ năm 2005 - 2012, diện tích rừng tự nhiên của 3 huyện có voi hoang dã sinh sống là Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo đã giảm gần 14.000ha), làm voi rừng thiếu thức ăn và chết.

Theo dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, chủ voi sẽ được trả tiền khi voi đẻ con. Nhưng khả năng sinh sản của voi nhà Đắk Lắk những năm gần đây có tỷ lệ gần như bằng 0 vì môi trường cho việc gặp gỡ, giao phối của voi bị hạn chế bởi chủ voi thường quản lý voi độc lập, ít thả voi sống cùng nhau. Chính việc quản lý voi theo hộ cá thể và theo cách của các công ty du lịch đã làm trở ngại cho việc sinh sản của đàn voi nhà. Với “tốc độ” voi chết và khả năng sinh sản như vậy, khoảng 10 năm nữa đàn voi nhà Đắk Lắk sẽ bị xóa sổ. Đàn voi rừng cũng chịu chung số phận nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời.

Nguồn: sggp.org.vn

Tin liên quan

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Bởi admin Bình luận

[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…

Xem Thêm
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

Bởi admin Bình luận

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522