Cả đời tù ngục sau song sắt trại gấu

admin

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2017 - Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) mới ra mắt phim ngắn truyền thông số 31 kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng mật gấu, góp phần chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật.

 

Phim được dàn dựng từ góc nhìn của một chú gấu có cuộc đời là những chuỗi ngày dài sau song sắt ở một trại nuôi nhốt gấu. Gấu hồi tưởng mình bị bán tới trang trại từ khi còn rất nhỏ, và chịu đựng nỗi đau bị trích hút mật trong suốt nhiều năm. Ước mơ duy nhất của gấu là trước khi rời xa cuộc đời được một lần tận hưởng cuộc sống bên ngoài song sắt.

Phim được quay tại một trại gấu và cuộc đời của chú gấu trong phim này chính là số phận của hầu hết các cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại. Chúng bị săn bắt từ tự nhiên từ khi còn nhỏ rồi bị bán cho các trại gấu, nơi mà cả phần đời còn lại chúng phải sống một cuộc sống tù ngục, bị trích hút mật và không bao giờ có cơ hội được quay trở lại với cuộc sống trong tự nhiên.

Tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật đã từng rất phổ biến tại Việt Nam. Đỉnh điểm là năm 2005 có tới hơn 4,300 cá thể gấu được ghi nhận bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên khắp cả nước. Trong 10 năm qua, những nỗ lực của các cơ quan chức năng, các tổ chức phi chính phủ và công đồng nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật đã đạt được những bước tiến đáng kể. Theo số liệu năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, số lượng cá thể gấu bị nuôi nhốt đã giảm mạnh còn khoảng 1,200 cá thể. Một nghiên cứu của ENV cũng chỉ ra lượng tiêu thụ mật gấu đã giảm 61% trong vòng 5 năm (2009 - 2014).

Tuy nhiên, cuộc chiến bảo vệ gấu chỉ kết thúc khi tất cả các trang trại nuôi nhốt gấu ở Việt Nam đóng cửa vĩnh viễn, đem lại cơ hội sống sót cho các cá thể gấu còn lại trong tự nhiên và không phải đối mặt với các nguy cơ bị săn bắt, giết hại phục vụ nhu cầu tiêu thụ mật gấu ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó giám đốc ENV cho rằng: “Ở nước ta hiện nay, hầu hết mọi người đều cho rằng khai thác các loài động vật hoang dã quý hiếm như gấu để lấy mật không chỉ tàn nhẫn và phạm pháp, mà còn đi ngược lại với lối sống văn minh và lành mạnh, tác động tiêu cực tới thiên nhiên mà môi trường xung quanh. Việc sử dụng mật gấu đã lỗi thời”.

Bà Dung cũng nhấn mạnh: “Sự phát triển của các loại thuốc hiện đại và thảo dược có thể thay thế mật gấu. Đã đến lúc phải đóng cửa các trang trại nuôi nhốt gấu, để loài gấu hoang dã được sống trong môi trường tự nhiên thay vì cuộc sống đằng sau song sắt như cá thể gấu trong phim ngắn này”.

Bà Dung đã khuyến khích cộng đồng bảo vệ loài gấu bằng cách:

  • Không sử dụng mật gấu hoặc các sản phẩm từ gấu.
  • Thông báo những vi phạm về buôn bán, sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu đến chính quyền địa phương hoặc qua đường dây nóng miễn phí bảo vệ Động vật hoang dã của ENV 1800-1522.
  • Nâng cao nhận thức cho những người xung quanh về việc không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu.

Phim ngắn truyền thông này là một phần trong chiến dịch truyền thông của ENV với mục đích nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu, từ đó chấm dứt việc nuôi nhốt gấu và bảo vệ các quần thể gấu còn lại trong tự nhiên.

Phim ngắn sẽ được phát sóng trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương tại Việt Nam trong một vài tháng tới, khán giả có thể xem trực tuyến tại kênh Youtube của ENV.

ENV xin gửi lời cảm ơn tới tổ chức Four Paws International đã hỗ trợ ENV sản xuất phim ngắn truyền thông này. Đồng thời, ENV gửi lời cảm ơn tới các kênh truyền hình trung ương và địa phương, truyền hình di động MobiTV, truyền hình kỹ thuật số VTC và Công ty Cố phần Truyền thông Sen đã phát sóng phim ngắn này, góp phần đưa thông điệp quan trọng này tới hàng triệu khán giả Việt Nam.

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522