Các tỉnh miền trung tiếp tục đi đầu trong nỗ lực giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã

admin

Theo đánh giá từ chiến dịch “Giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã” tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, giai đoạn 2019 – 2020 do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa thực hiện, nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng cả 3 địa phương đã cho thấy kết quả rất tích cực.

Theo đó, cơ quan chức năng ở các thành phố Huế, Đà Nẵng và Tam Kỳ đã xóa bỏ thành công 86,3% các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD được phát hiện qua chiến dịch. Đặc biệt, Đà Nẵng đạt tỷ lệ xử lý thành công các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD cao nhất trong ba thành phố, với mức 94%, cùng với Huế là 88% và Tam Kỳ là 77%.

Trong số 1.369 cơ sở được khảo sát (nhà hàng, quán bar, hiệu thuốc y dược cổ truyền, cửa hàng thú cảnh, khách sạn, chợ), ENV ghi nhận 81 cơ sở có vi phạm (chiếm 5.9%). Con số này cho thấy tình trạng tiêu thụ ĐVHD tuy có xảy ra tại miền Trung, nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so với ghi nhận trước đó tại Hà Nội (11%) và thành phố Hồ Chí Minh (8%) (giai đoạn 2017 – 2018).

Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã xử lý thành công 88,7% các dấu hiệu vi phạm được báo cáo trong giai đoạn khảo sát. Kết quả này cao hơn kết quả tốt nhất từng được ghi nhận tại Hà Nội (65%) và thành phố Hồ Chí Minh (82%). Tỷ lệ phản hồi của cơ quan chức năng tại các địa phương trên đối với các thông báo từ người dân qua ENV bình quân đạt 96,1%, cho thấy nỗ lực dẫn đầu của các cơ quan chức năng miền Trung trong giảm thiểu vi phạm về ĐVHD so với các địa phương khác trên cả nước.   

Ngoài ra, Đà Nẵng là địa phương thành công nhất trong việc xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống, với kết quả thành công ghi nhận trên 80% vụ việc được thông báo.

Thành công trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD ở thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ là minh chứng cho hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xử lý vi phạm về ĐVHD ở ba thành phố này. Đây là tấm gương cho các địa phương khác noi theo trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực xử lý tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép.  

Một số vụ việc thành công:  

THỪA THIÊN HUẾ

- Ngày 7/12/2019, Hạt Kiểm lâm thành phố Huế phối hợp với Đội CSKT - Công an thành phố Huế đã kiểm tra một nhà hàng và thu giữ 12 cá thể nhông cát Ben-ly. Các cá thể nhông sau đó đã được thả về tự nhiên và chủ nhà hàng bị phạt hành chính 10 triệu đồng. 

- Ngày 21/05/2020, sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân về cá thể chim hoang dã "đi lạc" vào nhà, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc phối hợp với lực lượng vườn Quốc gia Bạch Mã đã cứu hộ và thả một cá thể Hồng hoàng nặng khoảng 3,5 kg về với tự nhiên. 

Cá thể chim Hồng hoàng nặng khoảng 3,5kg đi lạc vào nhà dân đã được Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc cứu hộ và tái thả về tự nhiên

ĐÀ NẴNG 

- Tháng 05/2020, sau khi tiếp nhận tin báo từ người dân qua đường dây nóng, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đã tịch thu 01 cá thể cầy vòi hương, 02 cá thể rùa núi vàng và 04 cá thể sóc từ một quán café. Chủ quán đã bị phạt hành chính 10 triệu đồng.  

- Ngày 09/07/2020, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cũng đã tiến hành"giải cứu" 04 cá thể chim hồng hoàng, 01 cá thể niệc mỏ vằn, 01 cá thể gấu mèo và 01 cá thể vượn đen má vàng đang bị nuôi nhốt trái phép. 

Các cá thể ĐVHD được Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng "giải cứu" ngày 09/07/2020

QUẢNG NAM

- Ngày 12/03/2020, Phòng CSMT - Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành kiểm tra và phạt hành chính hai đối tượng có hành vi quảng cáo trái phép hổ, gấu và nhiều sản phẩm ĐVHD khác trên mạng xã hội. Mỗi đối tượng bị phạt 1,25 triệu đồng, đồng thời tịch thu 2 điện thoại di động là "công cụ thực hiện hành vi vi phạm", khi các đối tượng trước đó sử dụng để đăng quảng cáo bất hợp pháp. 

- Tháng 05/2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận 01 cá thể voọc chà vá chân nâu sau khi nhận được thông tin tự nguyện chuyển giao từ người dân qua đường dây nóng 1800-1522. 

Thông tin chung:

Từ năm 2013, ENV đã bắt đầu thực hiện chương trình đánh giá mức độ phổ biến của các vi phạm về ĐVHD trên địa bàn các thành phố lớn tại Việt Nam, nhằm xóa bỏ tình trạng kinh doanh, tiêu thụ ĐVHD trái phép trên toàn quốc, đồng thời giúp đánh giá phản hồi của cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm về ĐVHD, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến động vật sống do người dân thông báo.

Chương trình khảo sát đã được thực hiện tại hơn 30 quận/thành phố trên cả nước, bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An,  Cần Thơ, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng với tổng số 16.556 cơ sở được khảo sát. Báo cáo giúp cung cấp cho lãnh đạo địa phương kết quả của công tác giảm thiểu vi phạm về ĐVHD trên địa bàn, đồng thời so sánh với các địa phương khác. 

Tags:

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522