Cảnh báo từ 20 tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư G20

admin

Cảnh báo từ 20 tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư G20: “Hành động ngay - Đầu tư bảo vệ thiên nhiên hoặc đối mặt với mất đa dạng sinh học và các đại dịch tiếp theo.

  • “WC20” (Wildlife Conservation 20) hội tụ 20 tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) hàng đầu trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20
  • Đại dịch Covid-19 đặt ra các hành động cấp thiết trongTuyên bố chung
  • Chi phí đầu tư bảo vệ thiên nhiên chỉ bằng một phần rất nhỏ so với chi phí ứng phó đại dịch đồng thời tạo ra nhiều ngành nghề “xanh” và giúp chống biến đổi khí hậu

Lần đầu tiên, nhóm 20 tổ chức bảo tồn hàng đầu thế giới (viết tắt: WC20) đã ban hành một tuyên bố chung gửi tới các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 kêu gọi khẩn cấp đầu tư bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai.

Theo WC20, từ ngày 21 – 22/11, là cơ hội tuyệt vời để các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Riyadh (Ả Rập Xê-út) đưa vấn đề bảo vệ sức khỏe và giải quyết tình trạng ngược đãi thiên nhiên vào chiến lược hành động lâu dài nhằm phục hồi nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19.

Dù chưa xác định được chắc chắn nguồn gốc của đại dịch hiện nay, các nhà khoa học đồng ý rằng tương tự như HIV, Ebola, SARS, cúm gia cầm và MERS, Covid-19 là bệnh lây truyền từ động vật sang con người, và rất có thể là do sự tiếp xúc, tương tác giữa con người với ĐVHD ngày một gia tăng.

Sự tiếp xúc, tương tác của con người với động vật ngày một gia tăng chính là nguy cơ bùng phát dịch bệnh (Ảnh: ENV)
 

Tính tới ngày 24/11, gần 1,4 triệu người đã thiệt mạng và hàng trăm triệu người trên toàn cầu chịu ảnh hưởng từ Covid-19. Đây chính là hồi chuông cảnh báo rõ ràng và cấp thiết nhất về mối quan hệ không bền vững giữa con người và thiên nhiên hiện nay.

WC20 cho biết đầu tư bảo vệ thiên nhiên, bao gồm chấm dứt nạn phá rừng, kiểm soát hoạt động buôn bán ĐVHD và cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên là một phần quan trọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bảo vệ đa dạng sinh học có lẽ là một hành động quan trọng nhất trong chiến lược phục hồi nền kinh tế của các quốc gia nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các đại dịch tương tự trong tương lai và tránh các tác động rủi ro tương tự tới sức khỏe con người, các nền kinh tế và môi trường.

Chi phí đầu tư bảo vệ thiên nhiên chỉ bằng một phần nhỏ đối với thiệt hại kinh tế ước tính 26 nghìn tỷ USD mà Covid-19 đã gây ra. Theo một ước tính gần đây, nếu đầu tư 700 tỷ USD mỗi năm sẽ giúp phục hồi được đa dạng sinh học trên thế giới, chỉ bằng 1/40 tổn thất kinh tế do đại dịch Covid-19 đem lại. Phần lớn số tiền đầu tư bảo vệ thiên nhiên không cần phải từ nguồn đầu tư mới. Một phần đáng kể có thể lấy từ chính các loại hình đầu tư phát triển kinh tế làm tổn hại đến thiên nhiên, môi trường.

Đầu tư bảo vệ sức khỏe hành tinh bao gồm việc sử dụng các nguồn tài chính chống biến đổi khí hậu cho các giải pháp kinh tế thân thiện với thiên nhiên, thúc đẩy tăng trưởng xanh, công việc xanh, giúp chúng ta song hành giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trước các tổn thất nặng nề về người và kinh kế toàn cầu, hơn lúc nào hết, Chính phủ các nước đang có được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân để hành động, bảo vệ và tái thiết mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên.

Chính thời điểm quan trọng này đã thúc đẩy sự hình thành WC20, tập hợp 20 tổ chức bảo tồn đi đầu trong hoạt động bảo vệ ĐVHD và hệ sinh thái. WC20 đại diện tiếng nói của cộng đồng bảo tồn, cùng nhau thống nhất các bước cần thiết để nắm bắt cơ hội chưa từng có này.

Trong Tuyên bố chung, WC20 cho rằng “Covid-19 chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người trên hành tinh này. Đã đến lúc chúng ta cần trân trọng và đầu tư vào gìn giữ thiên nhiên thông qua việc phát triển các gói kích thích phát triển kinh tế bền vững, thân thiện môi trường trong đó bao gồm giải pháp “Một Sức khỏe” nhằm giải quyết dài hạn vấn đề sức khỏe hành tinh, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triên Bền vững của Liên Hợp Quốc.”.

Đây là lý do tại sao WC20 kêu gọi các quốc gia G20 đầu tư nhiều hơn vào bảo vệ thiên nhiên để cải thiện sự mất cân bằng tự nhiên nghiêm trọng hiện nay. Nếu không, thế giới tự nhiên mà chúng ta đều đang dựa vào sẽ không thể bảo vệ cho hạnh phúc và an ninh lâu dài của các thế hệ con người ở hiện tại và trong tương lai, cũng như mọi sự sống trên Trái Đất.”.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ngày 21, 22/11 tại Riyadh, những người lãnh đạo và các cán bộ cấp cao của WC20, trong đó có cả lãnh đạo của các tổ chức thành viên của Liên minh EndPandemics như Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) và Tổ chức Freeland đã tham dự hội nghị trực tuyến ngày 19/11, và cùng đưa ra Tuyên bố chung trong đó xác định các hành động cấp bách cần được thực hiện.

 

Tóm tắt nội dung hành động trong Tuyên bố chung của WC20 bao gồm:

Chính sách và thực thi: Tăng cường, đảm bảo đủ nguồn lực và thực hiện luật pháp hiện hành trong nước và quốc tế, đồng thời ban hành luật mới nhằm đảm bảo việc sử dụng hợp pháp, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời đảm bảo có thể truy được nguồn gốc các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có ĐVHD và đảm bảo việc sử dụng không đe dọa tới sức khỏe con người hoặc động vật.

Thực thi pháp luật: Tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho hoạt động thực thi pháp luật ở một số các quốc gia và vùng lãnh thổ là nơi khai thác, điểm trung chuyển và tiêu thụ ĐVHD. Sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tạo được tính răn đe hiệu quả đối các với tội phạm về ĐVHD.

Bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên: Tăng cường sự ủng hộ của các quốc gia cũng như nguồn tài chính và chuyên môn kỹ thuật để bảo vệ và quản lý hiệu quả các hệ sinh thái tự nhiên và các loài ĐVHD nhằm giúp phát triển một nền kinh tế bền vững trên toàn thế giới, đồng thời cam kết cải thiện các hệ sinh thái đang bị phá hủy, nâng tổng số diện tích lên 30% diện tích đất liền và biển trong thập kỷ tới.

Hỗ trợ cộng đồng địa phương: Công nhận và tôn trọng quyền của các bộ tộc bản xứ và các cộng đồng địa phương sống phụ thuộc vào hệ sinh thái tự nhiên, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của họ và giúp giảm sự phụ thuộc của các cộng đồng này vào nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm giảm thiểu, ngăn chặn và cải thiện các hệ sinh thái tự nhiên mà họ đang nắm giữ.

Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ: Phối hợp với các cơ quan chính phủ, các đối tác, tổ chức xã hội dân sự và những người có ảnh hưởng lớn nhằm khuyến cáo cộng đồng về sự nguy hiểm lan truyền dịch bệnh từ động vật và giảm thiểu rủi ro từ chúng. Nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các loài ĐVHD bị khai thác bất hợp pháp, không bền vững và/hoặc các sản phẩm của chúng. 

 

Nhóm 20 tổ chức hội nghị WC20 bao gồm:

African Parks, African Wildlife Foundation, BirdLife International, Born Free Foundation, Conservation International, Education for Nature -Vietnam, Global Initiative to End Wildlife Crime, Environmental Investigation Agency, Fauna & Flora International, Frankfurt Zoological Society, Freeland, Jane Goodall Institute, Paradise Foundation International, Space for Giants, The Nature Conservancy, TRAFFIC, WildAid, Wildlife Conservation Society, WWF, ZSL (Zoological Society of London).

 

Theo Giám đốc điều hành Freeland Steve Galster: “Nếu phải lựa chọn những kiến nghị quan trọng nhất để chuyển tới G20, theo tôi: (1) Áp dụng phương thức tiếp cận “Một Sức khỏe” để bảo vệ sức khỏe của con người, động vật và hệ sinh thái nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các đại dịch khác. (2) Chấm dứt buôn bán thương mại ĐVHD cho đến khi có thể đảm bảo rằng việc buôn bán đó không thể tạo điều kiện cho việc lây truyền virus hoặc đe dọa các loài đó. Cá nhân tôi cho rằng cách tiếp cận “an toàn còn hơn bỏ sót” là cách tiếp cận chủ động và tốt nhất ở thời điểm hiện tại cho hành tinh chúng ta. Chúng ta nên cấm việc buôn bán thương mại các loài ĐVHD”.

“Đại dịch là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học và chúng tôi đang tìm kiếm hành động quyết liệt từ các chính phủ để tạo sự thay đổi lớn lao” Bà Debbie Banks, Giám đốc chiến dịch Hổ và Tội phạm ĐVHD tại Cơ quan điều tra môi trường (EIA) cho biết. “Việc đầu tư lớn hơn vào chuyên môn và cơ chế để triệt tiêu mạng lưới tội phạm ĐVHD có tổ chức xuyên quốc gia là cần thiết; cần xử phạt tù giam và phạt tiền với các đối tượng vi phạm. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ sửa đổi luật nhằm đóng cửa các khu chợ trong nước nơi ĐVHD vẫn đang bị buôn bán cho mục đích xa xỉ, bao gồm cả làm thuốc và đồ trang trí. Nhận thức được việc gây nuôi thương mại ĐVHD nhằm buôn bán các bộ phận là cơ hội cho các đối tượng vi phạm, tham nhũng cũng như kích thích nhu cầu sử dụng, chúng tôi kêu gọi chấm dứt việc gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại.”.

Toàn thế giới đang gồng mình đấu tranh để ngăn chặn và chấm dứt đại dịch toàn cầu Covid-19. Đáng tiếc, đây không phải là dịch bệnh đầu tiên lây truyền từ động vật gây chết người và gần như chắc chắn sẽ không phải dịch bệnh cuối cùng.” – bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV cho biết. “Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 nhanh chóng sử dụng các biện pháp quyết liệt để xử lý triệt để các loại hình kinh doanh có nguy cơ gây ra cách bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người cao; chỉ như vậy mới có thể ngăn chặn và loại bỏ virus tiếp theo trước khi nó có cơ hội trở thành một đại dịch toàn cầu khác.”

Chúng tôi hoan nghênhWC20 đã chủ động tiếp cận, thúc đẩy tiến trình trao đổi với đa dạng góc nhìn đa chiều để hưởng tới một kết quả mạnh mẽ. Tuyên bố chung WC20 đặc biệt kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 “tạo khuôn khổ thuận lợi để các hành động hiệu quả được thực hiện trên thực tế, đồng thời giám sát và đánh giá tác động của chúng, cũng như ghi nhận những thành tựu và ngăn chặn các vi phạm. Đó cũng chính là nền tảng cốt lõi của mô hình thúc đẩy sự tham gia mà EndPandemics đang triển khai: phát hiện, mài giũa và nhân rộng những giải pháp, sáng kiến để tạo tác động cho những hoạt động về thực thi pháp luật, chính sách, phương thức kinh doanh và hành vi tiêu dùng” Tiến sĩ Andrey Kushlin, chủ tịch Liên minh EndPandemics và cố vấn cấp cao Tổ chức Transparent World tại Moscow cho biết.

 

“Chúng tôi thúc đẩy cách tiếp cận phòng tránh mạnh mẽ nhất vì an toàn của con người và ĐVHD. EndPandemics đang nỗ lực nhằm chấm dứt hoạt động mua bán thương mại ĐVHD. Chúng tôi cũng ủng hộ việc đóng cửa các trang trại gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại, ở bất kỳ đâu mà không thể đảm bảo rằng hoạt động kinh doanh đó sẽ không gây hại cho sức khỏe con người hoặc đa dạng sinh học. Các báo cáo mới nhất đã chỉ ra mối liên hệ giữa các cơ sở nuôi cầy với chủng đột biến của virus SARS-CoV-2. Rõ ràng rằng chúng ta không thể luôn quá cẩn trọng. Đã đến lúc chuyển gánh nặng trách nhiệm phải tìm bằng chứng cho những người buôn bán thương mại và chấm dứt việc cho phép các lợi ích ngắn hạn phá hủy sức khỏe hành tinh chúng ta” Ông Kushlin nhấn mạnh.

 

Thông tin thêm:

EndPandemics là một chiến dịch toàn cầu với liên minh các tổ chức phi chính phủ cùng hành động để loại bỏ nguy cơ các đại dịch như COVID-19 xảy ra trong tương lai bằng việc ngăn chặn nguồn gốc của những đại dịch này - hoạt động buôn bán thương mại ĐVHD, phá hủy môi trường sống và sự phụ thuộc vào ĐVHD của các sinh kế. Thành lập vào tháng 4/2020, Liên minh ngày một phát triển với trên 60 thành viên trong các lĩnh vực khác nhau (bao gồm môi trường, khí hậu, kinh tế, công nghệ, lâm nghiệp, khoa học, y tế, an ninh và truyền thông). Tại Việt Nam, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) là thành viên thuộc liên minh này.


Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) (https://env4wildlife.org/): quyenvu75@gmail.com

Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) (https://eia-international.org/): paulnewman@eiainternational.org

Tổ chức Freeland (https://www.freeland.org/): fern@freeland.org

Bản đầy đủ của Tuyên bố chung tại đây: http://www.spaceforgiants.org/WC20.  

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522