Cập nhật vụ trộm 116 trứng vích tại Côn Đảo: Đối tượng sẽ bị khởi tố

admin

Ngày 6/1/2017, 5 tháng sau vụ tranh cãi liên quan đến việc xử lí đối tượng trộm 116 trứng vích tại Côn Đảo, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã nhận được văn bản chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao gửi tới VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Phạm Văn Tân. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng công lý cũng đã được thực thi để bảo vệ loài vích tại Côn Đảo – loài động vật hoang dã (ĐVHD) được bảo vệ ở mức cao nhất theo pháp luật Việt Nam.

jan-6-con-dao-signboards

 

Cụ thể, trong văn bản gửi tới VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngày 30/12/2016 vừa qua, cả 3 ngành tư pháp Trung ương gồm VKSND Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và cơ quan Cảnh sát điều tra đều khẳng định: “Hành vi trộm cắp 116 quả trứng vích để đem bán của Phạm Văn Tân đã cấu thành tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo Điều 190 Bộ luật hình sự” và “có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự”.

Trước đó, vào tháng 7/2016, dư luận xôn xao về vụ việc Viện kiểm sát nhân huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu) không phê chuẩn quyết định khởi tố một đối tượng có hành vi trộm 116 quả trứng vích với lý do “trứng Vích không phải là sản phẩm của Vích vì không qua chế biến từ một cá thể Vích, trứng cũng không được xem là một cá thể hay bộ phận của cá thể”. Sau khi tranh luận này được làm sáng tỏ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục xin ý kiến thỉnh thị VKSND Tối cao về việc đã đủ căn cứ khởi tố Phạm Văn Tân về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” (theo quy định tại Điều 190 BLHS) hay chưa.

Liên quan đến vấn đề này, ENV đã ngay lập tức gửi công văn tới VKSND Tối cao và VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đưa ra những cơ sở pháp lý xác đáng khẳng định chỉ cần có hành vi vận chuyển sản phẩm của loài ĐVHD nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (như trứng Vích) là đã có đầy đủ căn cứ để khởi tố đối tượng vi phạm. Đồng thời ENV cũng dẫn ra những ví dụ từ các vụ việc tương tự đã từng bị đưa ra xét xử để củng cố luận điểm trên.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV phấn khởi: “Chúng tôi rất vui mừng vì mọi nỗ lực sau nhiều tháng làm việc chặt chẽ với các VKS các cấp đã mang lại kết quả tốt đẹp. Mọi hành vi gây tổn hại đến đa dạng sinh học nói chung và các loài ĐVHD được pháp luật bảo vệ đều phải bị trừng trị nghiêm minh, làm gương cho những đối tượng có ý định vi phạm tương tự. Qua đây, chúng tôi cũng hoan nghênh sự chỉ đạo sáng suốt của VKSND Tối cao và khuyến khích cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương khác áp dụng đúng quy định hiện hành của pháp luật nhằm đảm bảo không bỏ lọt tội phạm về ĐVHD”.

Vích (Chelonia mydas) và các loài rùa biển khác là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước về việc buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và đồng thời nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Việt Nam, ngang hàng với hổ, voi, tê giác. Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), hành vi vận chuyển, buôn bán sản phẩm, bộ phận của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như vích đều phải ngay lập tức bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật.
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thú y năm 2015 (trước đây là Pháp lệnh Thú y) thì trứng của động vật trên cạn hay động vật dưới nước đều là sản phẩm của chúng.

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522