Cứu hộ 3 cá thể gấu tại Bến Tre, Đồng Nai và Lâm Đồng

admin

TUYÊN BỐ BÁO CHÍ CHUNG

 

Hình ảnh cá thể gấu ngựa ở Bến Tre trước khi được cứu hộ. (Ảnh do FOUR PAWS Viet cung cấp) 

1. Nhờ nỗ lực của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), tổ chức FOUR PAWS, tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, cùng phối hơp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Bến Tre, Đồng Nai và Lâm Đồng thuyết phục các chủ trại gấu tình nguyện chuyển giao các cá thể gấu nuôi nhốt, ngày 15 thang 11 năm 2018, đội cứu hộ FOUR PAWS Viet cùng Tiến sĩ (bà) Johanna Painer, bác sĩ thú y của tổ chức FOUR PAWS Quốc tế đã giải cứu thành công 2 cá thể gấu bị nuôi nhốt lâu năm tại Bến Tre và Đồng Nai. Hiện hai cá thể gấu này đã được đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình an toàn sau chuyến hành trình dài 1,900km với hơn 70 tiếng đồng hồ di chuyển. Với việc bàn giao cá thể gấu cuối cùng bị nuôi nhốt tại tỉnh Bến Tre cho tổ chức FOUR PAWS Viet, Bến Tre đã trở thành địa bàn thứ 23 trên cả nước không còn trang trại nuôi nhốt gấu lấy mật. Trên cả nước đã có 18 cá thể gấu được chuyển giao thành công về các trung tâm cứu hộ và cơ sở bảo tồn gấu từ đầu năm đến nay. 

2. Ngay sau khi giải cứu 2 cá thể gấu tại Bến Tre và Đồng Nai, đội cứu hộ FOUR PAWS Viet và bác sĩ thú y Johanna Painner đã rời đi Lâm Đồng để giải cứu 1 cá thể gấu chó bị nuôi nhốt tại khu du lịch thác Prenn, phường 3, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Cá thể gấu chó 16 tuổi này được các bác sĩ thú y của FOUR PAWS thăm khám sức khỏe tổng thể ngay sau khi được giải cứu khỏi chuồng nuôi nhốt bằng bê tông nhiều năm qua. Kết quả thăm khám cho thấy cá thể gấu này có nhiều vấn đề về sức khỏe như bị xơ gan và viêm túi mật. Tuy vậy, theo ghi nhận của bác sĩ thú y Johanna Painer, tình trạng sức khỏe của cá thể gấu này tương đối ổn định trong và sau khi được thăm khám. Bác sĩ thú y Johanna Painner cũng cho biết, sau khi được bắn thuốc gây mê để đưa ra ngoài kiểm tra sức khỏe trước khi đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, cá thể gấu này đã tỉnh lại nhanh và không có biểu hiện bất thường gì về sức khỏe. Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi đội cứu hộ FOUR PAWS Viet rời khỏi khu du lịch thác Prenn, cá thể gấu này đột nhiên chảy máu mũi và miệng và bắt đầu biểu hiện chứng khó thở ngay sau đó. Mặc dù đã được các bác sĩ thú y của FOUR PAWS nhanh chóng truyền dịch và cung cấp oxy, đồng thời sử dụng các phương pháp điều trị tích cực khác, nhưng cá thể gấu này vẫn không qua được cơn nguy kịch và đã chết trong sự tiếc thương của đội cứu hộ, làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ để cứu sống cá thể gấu này. Chúng tôi hiểu được những rủi ro có thể xày ra trong khi thực hiện công tác cứu hộ gấu, đó không chỉ là vấn đề chúng tôi từ đặt mình vào những tình huống khó khăn, bất lợi mà còn có thể để xảy ra trường hợp cứu hộ không thành công như của cá thể gấu này. Hiện chúng tôi cũng đang làm việc tích cực với các cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu của Viện Thú y để tìm ra nguyên nhân gây tử vong của gấu. 

3. Liên minh các tổ chức phi chính phủ bảo vệ gấu (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), tổ chức FOUR PAWS, tổ chức World Animal Protection) rất hoan nghênh nỗ lực của các địa phương trong việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu. Với ba địa phương (Ninh Bình, Cần Thơ, Bến Tre) về đích thành công trên chặng đường không còn gấu nuôi nhốt từ đầu năm đến nay, mô hình địa phương không có gấu nuôi nhốt được khởi xướng bởi nhóm các tổ chức đang cho thấy hiệu quả và hướng đi đúng đắn của mình. 

4. Theo thống kê mới nhất từ Cục Kiểm lâm, tính đến cuối tháng 7/2018, ở Việt Nam còn khoảng 780 cá thể gấu được nuôi nhốt ngoài các trung tâm cứu hộ trên cả nước. Việt Nam hiện có 3 trung tâm cứu hộ tiêu chuẩn quốc tế, chuyên biệt dành riêng cho gấu sẵn sàng tiếp nhận các cá thể gấu được tự nguyện chuyển giao, bao gồm Cơ sở bảo tồn gấu Ninh bình của tổ chức FOUR PAWS, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại vườn quốc gia Tam Đảo và Trạm cứu hộ gấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên.

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522