DIỄN ĐÀN VỀ GẤU LẦN THỨ BA “CHIA SẺ KINH NGHIỆM QUẢN LÝ GẤU NUÔI NHỐT VÀ BẢO TỒN GẤU TRONG TỰ NHIÊN”

admin

Thời gian: 8h00 – 12h30, ngày 2/2/2018

Địa điểm: Phòng Văn Miếu 3, Khách sạn Pullman, Hà Nội

Thành phần tham dự:
• Thành viên Nghị viện Hàn Quốc - Lãnh đạo Đảng Công lý
• Ủy viên Thường trực – Ủy ban Khoa học Công Nghệ & Môi trường Quốc hội
• Đại diện tổ chức Green Korea United, Hàn Quốc
• Đại diện Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới tại Trung Quốc
• 5 cơ quan trung ương: Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Kiểm Lâm, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về        Môi trường - Bộ Công an, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học - Bộ Tài nguyên Môi trường, Ban quản lý Công viên Động vật        Hoang dã Quốc gia Ninh Bình
• 18 Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành
• Đại sứ quán Mỹ, Đức
• 6 tổ chức hoạt động về gấu và động vật hoang dã tại Việt Nam và châu Á

 

Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỷ niệm.

Mục đích

Diễn đàn về Gấu là một ý tưởng của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, nhằm tạo không gian thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như các giải pháp nhằm chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật ở Châu Á, từ đó thúc đẩy sự hợp tác để hỗ trợ cùng nhau chấm dứt việc khai thác mật gấu và bảo tồn gấu trong tự nhiên. Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam sau hai lần được tổ chức tại Trung Quốc (2016, 2017).

Nội dung chia sẻ và thảo luận

1. Tổng quan ngành công nghiệp nuôi nhốt gấu lấy mật và tình trạng sử dụng động vật hoang dã trong y học cổ truyền

Ông Gilbert M.Sape - Quản lý Chiến dịch toàn cầu: Gấu và Y học cổ truyền, Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới, đã trình bày khái quát về ngành công nghiệp nuôi nhốt gấu lấy mật cũng như các hoạt động nhằm chấm dứt hoạt động này tại châu Á, từ đó đưa ra kết luận cần chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật bởi:

• Gấu là loài động vật hoang dã thuộc về tự nhiên, không phải trong các trang trại.
• Mật gấu là không cần thiết vì hiện đã có nhiều loại thuốc hiện đại và thảo dược thay thế hiệu quả hơn.
• Nuôi gấu lấy mật là tàn nhẫn và bất hợp pháp.
• Nuôi nhốt gấu không có giá trị bảo tồn bởi những cá thể gấu sinh ra trong môi trường nuôi nhốt sẽ mất đi bản năng sinh      tồn trong tự nhiên.

Bà Jung Mi Lee - Thành viên Nghị viện Hàn Quốc phát biểu về kinh nghiệm bảo vệ gấu của Hàn Quốc.

2. Những nỗ lực nhằm chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam

Theo ông Karanvir Kukreja - Quản lý Chiến dịch: Động vật hoang dã (Gấu), Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, trong hơn 12 năm qua, các cơ quan chức năng và các tổ chức phi chính phủ cùng cộng đồng đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam.

• Hoạt động chính sách và sự hỗ trợ của các cấp như việc sửa đổi các văn bản pháp luật về bảo vệ gấu, xây dựng đội ngũ    cán bộ thực thi pháp luật có năng lực…
• Giám sát và bảo vệ các quần thể gấu trong tự nhiên bằng việc duy trì cơ sở dữ liệu cập nhật về gấu tại các trang trại, gắn     chíp quản lý, kiểm tra định kỳ để đảm bảo không có gấu bị săn bắt từ tự nhiên tại các trang trại…
• Tăng cường thực thi pháp luật, khởi tố các hành vi vi phạm, giải cứu các cá thể gấu, đồng thời áp dụng và sử dụng các         điều luật mới.
• Xây dựng các Khu bảo tồn và Trung tâm cứu hộ đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tốt cho gấu khi được tiếp nhận.
• Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ mật gấu và các sản phẩm từ gấu.
• Tăng cường sự hợp tác của chủ nuôi nhốt gấu bằng cách thuyết phục chuyển giao tự nguyện, đồng thời thường xuyên         thông tin cho họ về thực trạng nuôi nhốt gấu.
• Đẩy mạnh sự hợp tác giữa nhiều tổ chức bảo tồn, đặc biệt Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức Bảo vệ Động     vật Thế giới (World Animal Protection) và Tổ chức Four Paws đã cùng xây dựng một lộ trình cụ thể nhằm chấm dứt hoạt       động nuôi nhốt gấu lấy mật.

3. Chia sẻ kinh nghiệm quản lý gấu nuôi nhốt của Hàn Quốc

Đại biểu từ Nghị viện Hàn Quốc và tổ chức Green Korea United (GKU) chia sẻ kinh nghiệm và những chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật của Hàn Quốc. Trong đó, nổi bật là chương trình khuyến khích chủ gấu triệt sản cho gấu để đảm bảo không có gấu mới phát sinh tại các cơ sở nuôi nhốt gấu đã được hoàn thành vào đầu năm 2017 vừa qua. Tính đến tháng 5/2017, chỉ còn 660 cá thể gấu (đã được triệt sản) bị nuôi nhốt tại 36 trang trại ở Hàn Quốc. Đây cũng được hi vọng là những cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng tại quốc gia này. Bước tiến quan trọng này đạt được là nhờ những nỗ lực của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, và tổ chức GKU trong việc vận động Chính phủ Hàn Quốc và các chủ nuôi nhốt gấu trong suốt 14 năm.

Các đại biểu tham dự hội nghị bàn tròn.

4. Công tác quản lý gấu nuôi nhốt tại Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp đến từ Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp đã đưa ra những số liệu mới nhất về công tác quản lý gấu nuôi nhốt tại Việt Nam. Hiện nay, vẫn còn 842 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại 268 cơ sở (16 tổ chức và 252 hộ gia đình) trên 42 tỉnh. Mặc dù đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trên chặng đường tiến tới không còn gấu nuôi nhốt. Từ đó, nhiều phương hướng đã được đưa ra như sau:

• Theo dõi, kiểm tra để quản lý tốt các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt.
• Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân tự nguyện giao nộp gấu cho các Trung tâm cứu hộ để tiếp tục     chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
• Kiên quyết ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ           nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không tăng số lượng gấu nuôi nhốt và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu bất     hợp pháp tại Việt Nam.
• Xây dựng kế hoạch bảo tồn gấu tại Việt Nam đồng thời phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để vận động đầu tư, hỗ         trợ xây dựng các Trung tâm cứu hộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện tiếp nhận gấu do người dân tự nguyện giao           nộp, đặc biệt là ở khu vực phía Nam.

Kết luận

Việt Nam từng là điểm nóng về tình trạng nuôi nhốt gấu, tuy nhiên trong hơn 13 năm qua, công tác bảo vệ gấu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tháng 7/2017, Chính phủ Việt Nam đã một lần nữa cam kết đóng cửa các trại nuôi nhốt gấu lấy mật. Đặc biệt, ngày càng có nhiều chủ nuôi nhốt gấu tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không đòi hỏi bất kì một khoản hỗ trợ nào, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của chính các chủ cơ sở nuôi nhốt gấu về sự cần thiết phải chấm dứt hoạt động này.

Chính vì vậy mà diễn đàn năm nay là cơ hội để chúng ta được chia sẻ, thảo luận kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực đã có những bước tiến lớn về việc quản lý gấu nuôi nhốt, cũng như đánh giá những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt để từ đó đề ra các biện pháp, kêu gọi sự nỗ lực của Việt Nam cùng các đối tác, trong đó có Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection) và Tổ chức Four Paws nhằm thúc đẩy việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp ở Việt Nam hiện nay.

Kết thúc diễn đàn, ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ thể hiện niềm tin: “Việt Nam sẽ sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật trong một tương lai không xa.”

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522