Hàng nghìn người dân Phúc Thọ k‎í tên kêu gọi chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại địa phương

admin

Hơn 5.000 người dân tại Phúc Thọ - điểm nóng về nuôi nhốt gấu đã kí tên vào phiếu kiến nghị kêu gọi cơ quan chức năng địa phương khẩn trương hành động nhằm chấm dứt tình trạng trên. Kết quả này một lần nữa cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng đối với việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Những chữ kí trên đã được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ nhằm kêu gọi các cơ quan chức năng có hành động quyết liệt trong việc khuyến khích các chủ nuôi gấu ở địa phương tự nguyện chuyển giao gần 170 cá thể gấu còn lại để cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ. Việc xóa sổ thành công hoạt động nuôi nhốt gấu ở điểm nóng Phúc Thọ sẽ trở thành nhân tố thúc đẩy công tác chuyển giao gấu tại các địa phương còn tồn đọng tình trạng này.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết: “Kết quả trên đã cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo người dân huyện Phúc Thọ với những nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu tại địa phương. Tuy nhiên, việc Phúc Thọ có thể trở thành địa phương không còn gấu nuôi nhốt hay không thì phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của chính các cơ quan chức năng trong việc giám sát thường xuyên các cơ sở, quản lý chặt chẽ những chủ nuôi, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm liên quan.”

Phúc Thọ là điểm nóng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam và đã trở thành mục tiêu chiến lược trong khuôn khổ chiến dịch bảo vệ gấu của ENV từ năm 2008. Từ đó đến nay, ENV đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, góp phần truyền tải thông điệp chấm dứt nuôi nhốt gấu tới người dân địa phương thông qua các buổi triển lãm bảo vệ gấu tại các khu chợ, phát trên sóng phát thanh địa phương và qua những buổi nói chuyện trực tiếp với các em học sinh. Ngoài ra, ENV cũng nỗ lực phối hợp với các chủ nuôi gấu và cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại địa phương.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần khiến các chủ nuôi gấu hiểu rằng hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam đang dần đi đến hồi kết. Kinh doanh mật gấu ở Việt Nam không những tốn kém mà còn vi phạm pháp luật hình sự. Cộng đồng cũng đang quay lưng với hoạt động lỗi thời này bằng việc không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu,” bà Dung khẳng định.

Hiện nay cả nước ghi nhận 25 địa phương không có gấu nuôi nhốt. Chính điều này đang trở thành động lực to lớn cho cộng đồng, các chủ nuôi gấu, các tổ chức phi chính phủ và cơ quan chức năng trong việc tăng cường nỗ lực chung nhằm thúc đẩy chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Năm 2018 đánh dấu nhiều thành tựu đáng kể trong công tác chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu. Với 19 cá thể gấu được tự nguyện chuyển giao trong năm vừa qua, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm xuống còn khoảng 750 cá thể, thấp hơn nhiều so với hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên cả nước vào năm 2005. Năm 2019 hứa hẹn sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều nỗ lực trong việc xóa sổ hoàn toàn hoạt động nuôi nhốt gấu. Cuộc thi “Viết thư cho chủ gấu” với chủ đề “Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn” vẫn đang diễn ra và đã thu hút hơn 1000 bài dự thi, khuyến khích các chủ gấu tự nguyện chuyển giao các cá thể gấu nuôi của mình. Cuộc thi hi vọng sẽ nhận được hàng nghìn bài dự thi đến hết ngày 15/3/2019.

ENV và Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ đã phối hợp tiến hành dựng một bảng truyền thông ngay sát đường quốc lộ 32 thuộc địa phận xã Phụng Thượng nhằm truyền tải thông điệp bảo vệ gấu.

Bà Dung cũng kêu gọi cộng đồng cam kết không sử dụng mật gấu, lan tỏa thông điệp bảo vệ gấu đến những người xung quanh và thông báo các vi phạm về gấu đến đường dây nóng miễn phí bảo vệ ĐVHD 1800-1522.

ENV xin chân thành cảm ơn tổ chức World Animal Protection đã hỗ trợ thực hiện sáng kiến này. Sáng kiến cũng là một phần trong chiến dịch dài hơi của nhóm các tổ chức phi chính phủ bảo vệ gấu nhằm thúc đẩy chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam.

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522