Ngày 17/6: 48 năm tù giam cho 4 đối tượng tội phạm về động vật hoang dã

admin

Trong sáng ngày 17/6/2020, 4 bị cáo bị đưa ra xét xử trong 2 phiên tòa tại Hà Nội và Hưng Yên với tổng hình phạt được áp dụng lên tới 48 năm tù cho các bị cáo. Trong đó, 2 bị cáo lĩnh án 11 năm tù, 1 bị cáo bị xử phạt 10 năm tù và 1 đối tượng nhận án 16 năm tù (trong đó có 11 năm tù về tội phạm về động vật hoang dã và 5 năm tù về tội hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản ).

 

Cụ thể, sáng ngày 16/7/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo Nguyễn Văn Nam (Sinh năm 1982, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội)Dương Văn Phong (Sinh năm 1980, trú tại xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Lạng Sơn), Nguyễn Văn Hưng (Sinh năm 1991, trú tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Trong đó, bị cáo Nam và Phong đã bị tuyên phạt 11 năm tù giam và bị cáo Hưng nhận mức án phạt  10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 - BLHS). Đây là các đối tượng liên quan trong vụ án vận chuyển trái phép 204kg ngà voi bị phát hiện ngày 30/9/2019 tại Hà Nội.

 

Đặc biệt, Nguyễn Văn Nam- hay còn gọi là Nam Béo, được biết đến là một trong những “ông trùm” có vai trò lớn trong đường dây hoạt động tinh vi chuyên vận chuyển, buôn bán ngà voi và sừng tê giác từ Châu Phi về Việt Nam.

 Ngà voi và tê tê vẫn luôn được coi là mặt hàng “nóng” với lợi nhuận “khủng” mà nhiều đối tượng vi phạm đã và đang bất chấp các quy định của pháp luật để buôn bán, vận chuyển trái phép. (Ảnh minh họa)

Cũng trong sáng 16/07/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tuyên phạt đối tượng Nguyễn Đình Hồng (Sinh năm 1989, trú tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) 11 năm tù giam về “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và 5 năm tù về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại BLHS. Tổng hợp hình phạt, đối tượng nhận án 16 năm tù. Trước đó, đối tượng bị phát hiện trên đường vận chuyển 116 cá thể tê tê qua địa bàn tỉnh Hưng Yên.

 

Trước đây, buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép được coi là một ngành nghề kinh doanh “siêu lợi nhuận” với rủi ro bị bắt giữ và xử lý thấp hơn rất nhiều so với tội phạm ma túy, buôn bán người hay các tội phạm nguy hiểm khác. Chính vì vậy, nhiều đối tượng vi phạm đã bất chấp các quy định của pháp luật để buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, thậm chí thiết lập nên những đường dây xuyên quốc gia chuyên trung chuyển, buôn bán ĐVHD từ các quốc gia khác về Việt Nam hoặc từ Việt Nam đi đến các quốc gia lân cận. Trong bối cảnh đó, BLHS đã nâng mức hình phạt đối với tội phạm về ĐVHD lên đến 15 năm tù giam, so với mức 7 năm tù giam theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung 2009) để đảm bảo ý nghĩa răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này. Phát huy tinh thần của BLHS mới, ENV liên tiếp ghi nhận những hình phạt tù giam nghiêm khắc với các đối tượng tội phạm về ĐVHD mà những bản án ngày hôm nay là ví dụ điển hình.

 

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chia sẻ: “Những bản án 10 năm tù giam đã không còn xa lạ với tội phạm về ĐVHD! ENV nhiệt liệt chúc mừng nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên cũng như hi vọng tiếp tục ghi nhận những tin vui trong việc xử lý tội phạm về ĐVHD trong thời gian tới. Những vụ bắt giữ thành công cùng với bản án nghiêm minh dành cho các đối tượng đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan trong việc xử lý loại tội phạm này. Đây cũng chính là lời “cảnh tỉnh sâu sắc nhất” để các đối tượng đã và đang làm giàu bất chính từ ĐVHD từ bỏ hoạt động trái pháp luật này”.

 

Dịch bệnh Covid-19 – nhiều khả năng lây lan sang con người do tình trạng tiêu thụ và sử dụng ĐVHD - đã gây ra những hậu quả nặng nề tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người trong 50 năm qua đều có nguồn gốc từ ĐVHD. Covid-19 không phải là dịch bệnh đầu tiên có nguồn gốc từ ĐVHD và cũng sẽ không phải là dịch bệnh cuối cùng nếu con người không thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên cũng như các loài ĐVHD. Trong bối cảnh này, công tác đấu tranh, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép đã không còn chỉ nhằm bảo vệ ĐVHD, bảo vệ đa dạng sinh học mà còn trực tiếp bảo vệ góp phần bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Công tác này đòi hỏi sự cam kết, vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật cũng như của mọi người dân và cả cộng đồng. ENV tin rằng với sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, chúng ta sẽ có thể ngăn chặn triệt để tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp.

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522