Những bước chân đầu tiên ra tự nhiên sau gần 20 năm bị nuôi nhốt

admin

Ngày 12/12 vừa qua, ba cá thể gấu ngựa gồm gấu đực Thái Giang và hai gấu cái Thái Vân, Hai Chân đã được thả ra khu bán hoang dã tại trung tâm cứu hộ mới xây dựng tại Ninh Bình của Tổ chức Four Paws sau hơn một tháng theo dõi trong khu cách ly và khu chuồng gấu.

Gấu Hai Chân ra tự nhiên sau 20 năm nuôi nhốt

Trước đó, vào tháng 11/2017, ba cá thể gấu đã được tổ chức Four Paws phối hợp với Chi cục kiểm lâm và Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cứu hộ thành công sau gần 20 năm bị nuôi nhốt trong các chuồng cũi chật hẹp. Việc giải cứu là kết quả của quá trình vận động lâu dài, khuyến khích các chủ nuôi từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu và tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước.

Khi mới được cứu hộ, cả ba cá thể gấu đều có nhiều vấn đề về sức khỏe do bị nuôi nhốt trong một thời gian dài với chế độ ăn uống không phù hợp và bị trích hút mật. Vui lòng xem thêm các thông tin về hoạt động cứu hộ và tình trạng của các cá thể gấu tại đây.

 

Gấu Thái Giang thưởng thức đồ ăn ngoài trời.

Sau hơn một tháng được theo dõi và chăm sóc, sức khỏe của ba cá thể gấu đã dần ổn định và đủ điều kiện để chuyển sang khu vực bán hoang dã. Có lẽ, trong suốt 20 năm chỉ nhìn thế giới qua những song sắt và bức tường bê tông dày đặc, các cá thể gấu này chưa bao giờ tưởng tượng chúng lại một lần nữa được được tận hưởng cuộc sống gần với thiên nhiên như thế.

Vui mừng trước sự kiện này, bà Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chia sẻ: “Thêm một trung tâm cứu hộ được thành lập là thêm một niềm hi vọng mới cho các cá thể gấu bị nuôi nhốt. ENV khuyến khích các chủ nuôi nhốt gấu trong cả nước sớm tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước, góp phần vào nỗ lực chung chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu và tạo điều kiện cho quần thể gấu được phục hồi trong tự nhiên”.

Đúng là một cái kết có hậu cho những chú gấu này!

Sự kiện ý nghĩa này là một hoạt động trong Tuần lễ Bảo vệ gấu do ENV khởi xướng cùng các đối tác: tổ chức Four Paws và tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới.

Các hoạt động trong Tuần lễ Bảo vệ gấu:

  • Ngày 10/12, giải “Chạy vì gấu – Chấm dứt nuôi nhốt gấu” thu hút hơn 800 người đến từ 43 quốc gia tham dự.
  • Ngày 11/12, học sinh trường THCS Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội – điểm nóng về nuôi nhốt gấu đã được tham gia một số hoạt động tìm hiểu và bảo vệ gấu ngay tại trường.
  • Ngày 12/12, một buổi trao đổi chuyên đề về hoạt động nuôi nhốt gấu dành riêng cho các nhà báo đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
  • Ngày 13/12, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai bắt đầu giai đoạn hai của chương trình tái gắn chíp điện tử cho gấu nuôi nhốt tại địa phương, góp phần hỗ trợ các cơ quan chức năng thắt chặt công tác quản lý nuôi nhốt gấu.
  • Ngày 14/12, buổi tọa đàm với các sinh viên đại học về tình trạng buôn bán ĐVHD tại Việt Nam, tập trung vào vấn đề bảo vệ gấu sẽ được tổ chức tại Bình Dương – điểm nóng về nuôi nhốt gấu ở khu vực phía Nam.
  • Ngày 15/12, một sự kiện tương tự cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội, hướng tới đối tượng doanh nghiệp. Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc cũng sẽ hỗ trợ phát sóng chuỗi phim ngắn truyền thông kêu gọi cộng đồng không sử dụng mật gấu ngay tại các lối ra vào của bệnh viên, giúp lan tỏa thông điệp đến hàng nghìn bệnh nhân, người nhà và các y bác sĩ.
  • Ngày 16/12, chuỗi triển lãm “Chấm dứt nuôi nhốt gấu” sẽ được tổ chức tại 10 tỉnh thành phố lớn trên khắp cả nước như Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi cộng đồng không sử dụng mật gấu. Tại Hà Nội, một sự kiện quy mô lớn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ gấu cũng sẽ được tổ chức tại công viên Thủ Lệ.

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522