Phim ngắn kêu gọi cộng đồng không sử dụng mật gấu, góp phần chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu ở Việt Nam

admin

Hà Nội, 03 tháng 12 năm 2018 - Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) mới ra mắt phim ngắn truyền thông kêu gọi cộng đồng từ bỏ quan niệm lạc hậu và thói quen sử dụng mật gấu như một phương thuốc chữa bệnh.

 

Trong phim, một bé gái 5 tuổi đã ngây thơ tin vào việc sử dụng mật gấu để chữa bệnh cho búp bê. Sau khi nghe bố khuyên bảo, cô bé đã hiểu ra, hành vi trích hút mật tàn nhẫn chỉ gây ra những đau đớn và tổn thương cho loài gấu và ngày nay mọi người lựa chọn các phương thuốc hiện đại chứ không còn sử dụng mật gấu nữa.

Nhu cầu sử dụng mật gấu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam, đe dọa đến quần thể gấu ngoài tự nhiên. Nhiều người Việt Nam vẫn tin mật gấu là thần dược và chọn sử dụng mật gấu thay vì các phương thuốc hiện đại, dễ mua với giá cả phải chăng và hiệu quả cao.

Trong suốt hơn 13 năm qua, nhóm các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ gấu đã hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu thông qua việc tăng cường thực thi pháp luật và giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu; cải thiện thể chế chính sách cũng như giảm thiểu nhu cầu sử dụng mật gấu. Tính đến tháng 10/2018, số lượng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước chỉ còn khoảng 800 cá thể, giảm đáng kể so với số lượng hơn 4,300 cá thể bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở được phát hiện năm 2005. Thói quen và nhu cầu tiêu thụ mật gấu đã giảm đáng kể. Theo một nghiên cứu của ENV công bố năm 2015, nhu cầu sử dụng mật gấu đã giảm 61% so với năm 2009. Nhiều chủ gấu cũng đã từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu và tự nguyện chuyển giao các cá thể gấu nuôi của mình tới các trung tâm cứu hộ trong năm nay. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam sẽ sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật trong tương lai không xa.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV: “Mật gấu đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Dù vậy, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể xóa sổ hoàn toàn hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật đang thoái trào này.

Bà Dung khuyến khích cộng đồng chung tay bảo vệ gấu bằng các hành động thiết thực:
• Không tiêu thụ mật gấu hay các sản phẩm từ gấu;
• Thông báo các hành vi quảng cáo, buôn bán mật gấu và các sản phẩm từ gấu cho chính quyền địa phương hoặc đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã của ENV 1800-1522;
• Khuyến khích mọi người xung quanh không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu;

Với nhiều phương thuốc hiện đại thay thế cho mật gấu, mỗi người trong xã hội văn minh hôm nay đều có thể góp sức chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật bằng cách không sử dụng mật gấu và khuyến khích mọi người cùng hành động vì tương lai của loài gấu tại Việt Nam,” bà Dung nhấn mạnh.

Phim ngắn truyền thông này là một phần trong chiến dịch bảo vệ gấu của ENV và các đối tác là Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới và Tổ chức Four Paws nhằm thúc đẩy chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu và góp phần bảo vệ gấu tự nhiên tại Việt Nam.

ENV trân trọng cảm ơn Đài truyền hình Việt Nam, các kênh truyền hình địa phương, MobiTV, truyền hình kĩ thuật số VTC và Công ty Truyền thông Sen đã phát sóng và giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ gấu tới hàng triệu người trên khắp Việt Nam.

Phim ngắn truyền thông này cùng những phim ngắn truyền thông bảo vệ gấu khác của ENV có thể xem được online trên kênh Youtube của ENV.

Vui lòng xem thêm thông tin chi tiết về các chiến dịch mà ENV thực hiện nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại ĐÂY

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522