admin
Hoạt động ký tên do tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Born Free khởi xướng, nhằm phản đối dự thảo luật cho phép buôn bán sừng tê giác nội địa của Chính phủ Nam Phi đã và đang được đón nhận và hưởng ứng vô cùng tích cực ở Việt Nam.
Ngay khi thông tin này được công bố, một làn sóng phản đối đã được dấy lên trong giới bảo tồn và những người yêu quý động vật hoang dã. Đồng hành cùng nhiều tổ chức như Humane Society International, Save the Rhino International, International Rhino Foundation…, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và tổ chức Born Free đã ngay lập tức hưởng ứng bằng việc tạo ra đường link ký tên phản đối dự thảo http://bit.ly/wedontwantyourrhinohorn và khuyến khích mọi người tham gia. Cách tham gia rất đơn giản, bạn chỉ cần truy cập vào đường link trên, điền họ tên, thành phố sinh sống, địa chỉ email và ấn nút “Ký tên” sau đó chia sẻ lên Facebook. Chỉ đơn giản như vậy, bạn đã đóng góp tiếng nói của mình, thể hiện thái độ cứng rắn của người Việt Nam gửi tới Chính phủ Nam Phi và góp phần bảo vệ loài tê giác.
Sau 4 ngày, chiến dịch mang tên “We don’t want your rhino horn” này đã và đang thu hút được đông đảo các tầng lớp tham gia, với gần 4,000 chữ ký.
Đầu tiên, phải kể tới sự ủng hộ nhiệt tình của các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nhiều sao Việt đã hăng hái tham gia ký tên tham gia chiến dịch, đồng thời cùng ENV lan truyền thông điệp bảo vệ tê giác. Có thể kể ra ở đây một số ngôi sao tiêu biểu như Diva Hồng Nhung, nghệ sĩ Thanh Bùi, MC Phan Anh, Á hậu Huyền My, ca sĩ Đoan Trang, BTV Hoài Anh, hotboy Rocker Nguyễn… Trên Facebook cá nhân, MC Phan Anh chia sẻ: “Dù biết rằng ngay xung quanh chúng ta, ở chính đất nước chúng ta còn có quá nhiều việc cần phải quan tâm, lên tiếng, nhưng tôi vẫn mong các bạn có thể dành đôi phút để bày tỏ thái độ của mình với vấn đề bảo vệ tê giác, bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng, bảo vệ sự cân bằng tự nhiên của trái đất bằng cách ký vào bức thư đề nghị chính phủ Nam Phi bác bỏ dự thảo hợp thức hoá việc buôn bán sừng tê giác. […] Hành động này chứng minh việc Việt Nam bị mang tiếng là nguyên nhân gây ra việc sát hại dã man tê giác để lấy sừng chỉ ở một bộ phận nhỏ những người thiếu hiểu biết!...” Với sức ảnh hưởng của mình, các anh chị đã giúp truyền tải thông điệp phản đối đề nghị hợp pháp hóa sừng tê giác của Chính phủ Nam Phi tới nhiều người Việt Nam và huy động sự hỗ trợ lớn nhất có thể từ cộng đồng.
Không chỉ có những người nổi tiếng, mạng lưới tình nguyện viên (TNV) bảo vệ động vật hoang dã tại 15 tỉnh thành lớn cũng là lực lượng nòng cốt trong chiến dịch lần này. Một ngày sau khi phát động chiến dịch, các câu lạc bộ TNV ENV đã trực tiếp ra quân tổ chức các buổi kêu gọi ký tên tại nhiều trường đại học, khu ký túc xá, khu dân cư, với đầy đủ các phương tiện hỗ trợ để người tham gia ký tên: banner, poster, QR code, người hướng dẫn... Được truyền cảm hứng từ các bạn trẻ, số lượng người tham gia chiến dịch vẫn đang tăng lên không ngừng.
Chưa dừng lại ở đó, chiến dịch “We don’t want your rhino horn” còn nhận được sự hỗ trợ truyền thông của nhiều cơ quan báo chí. Sau 2 ngày phát động, khoảng 25 bài báo đã được đăng tải thông tin về chiến dịch, trong đó, có nhiều trang thông tin lớn như Vietnamnet, Vietnamplus, VnExpress, Thanh niên, Thông tấn xã… Đài truyền hình Hà Nội cũng đã đưa tin về chiến dịch kèm đường link tham gia trên chương trình Thời sự tối ngày 3/3.
Sự góp sức của mọi tầng lớp nhân dân đã và đang đưa chiến dịch “We don’t want your rhino horn” lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng. Tuy nhiên, chặng đường đưa thông điệp này tới với Nam Phi hẵng còn dài, trong khi thời gian cho chúng ta và cho loài tê giác lại chỉ còn tính trong tích tắc. Hãy cùng chung tay với chúng tôi để thay đổi quyết định của Chính phủ Nam Phi, đảm bảo tương lai cho loài tê giác và củng cố hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế bằng cách ký tên tại đường link http://bit.ly/wedontwantyourrhinohorn
Chúng tôi đã tham gia, vậy còn bạn? Bạn đã ký tên chưa?
Tags:
Tin hoạt độngBởi admin Bình luận
Xem Thêm
Bởi admin Bình luận
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…
Xem Thêm1800 1522