Tây Ninh: Án phạt 22 năm tù cho hai đối tượng buôn bán 39 tiêu bản rùa biển

admin

Ngày 18/06/2021 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) vừa mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án buôn bán tiêu bản rùa biển lớn nhất phát hiện trong năm 2020, với án phạt tổng cộng lên tới 22 năm tù cho hai đối tượng trong vụ án.

Theo đó, hai bị cáo là Phún Nhịt Tắc (xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) và Trần Minh Lành (xã Hiệp Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) lần lượt nhận mức án 12 năm tù và 10 năm tù về hành vi tàng trữ, buôn bán trái phép 39 tiêu bản đồi mồi.

Trước đó ngày 24/12/2020, sau khi tiếp nhận tin báo từ người dân qua Đường dây nóng miễn phí bảo vệ ĐVHD 1800-1522 của ENV, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công an huyện Gò Dầu đã tiến hành kiểm tra và bắt quả tang các đối tượng đang tàng trữ trái phép 39 tiêu bản đồi mồi với kích thước lớn để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), đây là vụ buôn bán tiêu bản rùa biển lớn nhất được ghi nhận trong năm 2020, và là vụ án với số lượng rùa biển lớn nhất từng bị phát hiện trên cả nước trong 7 năm trở lại đây (từ vụ án buôn bán, chế tác hơn 10 tấn rùa biển phát hiện tại Khánh Hòa cuối năm 2014). 

Đồi mồi (Eretmochelys imbricata) là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP - cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hành vi tàng trữ, buôn bán trái phép 39 tiêu bản đồi mồi của hai đối tượng đã đáp ứng cấu thành tội Vi phạm qui định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt lên tới 15 năm tù đối với cá nhân.

Theo Hệ thống dữ liệu quốc gia vi phạm về ĐVHD của ENV, từ năm 2013, ENV đã nhận được thông báo của người dân về đối tượng Phún Nhịt Tắc - một đối tượng “có tiếng” trong hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD. Lợi dụng sự thuận tiện của mạng xã hội, đối tượng này thường xuyên cá hành vi đăng tải, quảng cáo buôn bán trái phép nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng như cá thể hổ, móng hổ, nanh hổ, da hổ, xương hổ, cao hổ, tiêu bản đồi mồi, móng gấu, túi mật gấu, chi gấu, sừng tê giác, vảy tê tê, ngà voi và da voi. Không những vậy, đây cũng là “đầu mối lớn” chuyên cung cấp ĐVHD cho khách hàng tại thị trường Trung Quốc và các quốc gia lân cận.

Theo bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV: “ENV hoan nghênh bản án thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với tội phạm về ĐVHD của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu! Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực phát hiện, bắt giữ các đối tượng tội phạm về ĐVHD, thu giữ một khối lượng lớn tang vật ĐVHD. Rõ ràng việc bắt giữ đối tượng và thu giữ tang vật chỉ là thành công ban đầu. Thành công này sẽ thực sự phát huy ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm nếu đi kèm với nó là bản án nghiêm khắc dành cho các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các đối tượng đầu sỏ, buôn bán ĐVHD ở quy mô lớn. ENV hi vọng bản án nghiêm khắc của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu sẽ là động lực để các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước tăng cường hơn nữa công tác xét xử tội phạm về ĐVHD, góp phần loại bỏ loại tội phạm này ra khỏi xã hội. ENV cũng tin rằng bản án này sẽ là bài học đắt giá không chỉ cho Phún Nhịt Tắc và đồng phạm mà cho tất cả các đối tượng đã, đang làm giàu bất chính từ ĐVHD để kịp thời từ bỏ hoạt động đầy rủi ro này”.

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522