Thông tin thêm về RÙA

admin

31 loài rùa bản địa của Việt Nam

Việt Nam có 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, trong đó có 5 loài rùa mai mềm, 21 loài rùa cạn và rùa mai cứng. Ngoài ra, Việt Nam còn là nơi cư ngụ của 5 loài rùa biển.

Những loài rùa chỉ có ở Việt Nam

Việt Nam có HAI loài rùa đặc hữu mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đó là loài rùa hộp trán vàng miền nam (Cuora picturata) và rùa trung bộ (Mauremys annamensis).

Những loài rùa nguy cấp và cần được bảo vệ

28/31 loài rùa bản địa của Việt Nam được liệt kê trong các danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, 13 loài bị NGHIÊM CẤM hoàn toàn hoạt động khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Ngoài ra, 30 loài thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), đòi hỏi phải có giấy phép khi thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi giữa các nước.

 Đấu tranh để sinh tồn

Hầu hết các loài rùa bị săn bắt và buôn bán trái phép ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và làm thuốc tại Trung Quốc. Ngoài ra, tại Việt Nam, các loài rùa mai mềm cũng thường được coi là “đặc sản”. Rùa còn bị nuôi nhốt để làm cảnh hoặc phóng sinh tại các đền, chùa. Rùa biển cũng thường bị chế tác thành tiêu bản, mai rùa được dùng làm đồ trang sức hoặc các sản phẩm khác. 

Loài rùa nguy cấp nhất thế giới

Lưu vực sông Hồng đã từng là nơi cư ngụ của loài rùa quý hiếm và nguy cấp nhất thế giới – rùa Hoàn Kiếm, hay còn gọi là Giải sin-hoe (Rafetus swinhoei). Rùa Hoàn Kiếm có ý nghĩa tâm linh quan trọng trong văn hóa người Việt. Sau khi cá thể duy nhất tại Hồ Hoàn Kiếm chết vào năm 2016, hiện chỉ xác định được một cá thể còn sót lại ở một vườn động vật ở Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cũng đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những cá thể còn sống sót ở các vùng đất ngập nước và sông hồ, nơi phân bố của loài rùa quý hiếm này.

Hình phạt nghiêm khắc với vi phạm về rùa

Từ 2005, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của ENV đã ghi nhận 3.087 vụ vi phạm có liên quan đến 90.000 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt. Trong 5 năm gần đây, các cơ quan chức năng đã thu giữ 6.189 cá thể rùa từ 524 vụ buôn bán trái phép. Nhiều mức hình phạt tù nghiêm khắc từ 9 tháng đến 10,5 năm tù đã được áp dụng với các đối tượng phạm tội liên quan đến rùa cạn và rùa nước ngọt. Những hình phạt nghiêm khắc này đã thể hiện quan điểm “không khoan nhượng” với các vi phạm về rùa, giúp răn đe, ngăn chặn các đối tượng tiếp tục tham gia vào hoạt động buôn bán rùa trái phép.

Bạn có thể làm gì để góp phần bảo vệ các loài rùa của Việt Nam?

Mua rùa là “giết” rùa vì tiền mua rùa được những kẻ buôn bán sử dụng để trả  cho những kẻ săn bắt rùa, và vì vậy khiến cho tình trạng  khai thác rùa trong tự nhiên và buôn bán rùa trái phép gia tăng.

Hãy bảo vệ rùa bằng cách:

  • Không mua bán, nuôi nhốt hoặc phóng sinh rùa cũng như mua, bán các sản phẩm từ rùa
  • Thông báo các vi phạm liên quan đến rùa và động vật hoang dã đến đường dây nóng miễn phí 1800 -1522

 

 

 

 

 

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522