Trang trại hổ Việt Nam buôn bán động vật hoang dã trái phép

admin

Mike Ives là phóng viên tự do người Mỹ, từng làm việc cho tờ Seven Days. Anh sống tại Hà Nội, Việt Nam từ năm 2009. Thời gian gần đây, Mike Ives viết nhiều bài báo về Việt Nam và các nước châu Á đăng tải trên AP. Bài viết này được đăng tải trên Associated Press  ngày 27.7. 2012


Hổ bị nhốt tại một trang trại nuôi hổ ở Bình Dương


Mười chín con hổ đi lại lảng vảng trong cái lồng sắt ngoài trời có kích thước to bằng phòng kí túc xá, xung quanh chuồng được bao bởi các thanh sắt và lưới thép đã gỉ. Những con hổ gầm lên trong chuồng khi người giữ hổ cầm dép xăng đan khiêu khích chúng.

Nơi này nhìn giống như sở thú nhưng lại đóng cửa với khách tham quan. Trang trại này tự tiến hành cho hổ phối giống và sinh sản nhưng chưa bao giờ cung cấp một con hổ nào cho các chương trình bảo tồn hổ hay bán hổ cho sở thú. Những nhà bảo tồn hổ cho biết hiện tại ở Việt Nam có khoảng 11 trang trại nuôi hổ có đăng kí. Đây là thị trường béo bở của những kẻ buôn bán các bộ phận hổ bất hợp pháp. Chúng được bán với giá đắt cho những người có niềm tin mù quáng rằng đó là thần dược.

Ông Lương Thiên Đan, người quản lý tại trang trại hổ ở phía nam tỉnh Bình Dương cho biết vì tỉnh này còn yếu kém trong công tác quản lý hổ nên ông quyết định thành lập trang trại tư nhân này. Trang trại được thành lập từ công ty bia. Ông nói: “Ban đầu chúng tôi chỉ nuôi hổ như vật nuôi trong nhà, sau đó lũ hổ bắt đầu sinh sản. Lúc đó chúng tôi rất thích thú và muốn nhân rộng số lượng hổ”. Ông Đan giới thiệu một vòng quanh trang trại, nơi đây cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40km.

Ở khu vực Đông Nam Á, lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép như hổ, tê giác và một vài loài quý hiếm khác ước tính trị giá khoảng 8 - 10 tỉ USD mỗi năm. Các nhà bảo tồn loài hổ cho biết, việc quản lý các trang trại nuôi hổ lỏng lẻo như hiện nay đã tạo điều kiện để trang trại trộn lẫn giữa hổ bắt trái phép ngoài tự nhiên và hổ nuôi. Sau đó những sản phẩm từ hổ bị đem bán tại chợ đen.


Người trông hổ dùng dép đập vào song sắt để khiêu khích con hổ.


Mới đây, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF công bố Việt Nam bị liệt vào danh sách một trong những quốc gia có số lượng tội phạm buôn bán động vật hoang dã tồi tệ nhất. Đây là bản báo cáo khảo sát đầu tiên của WWF tại 23 nước châu Á và châu Phi trong việc bảo tồn tê giác, hổ và voi. Nhóm các chuyên gia đánh giá có trụ sở tại Thụy Sĩ tập trung báo cáo tình hình các quốc gia có động vật hoang dã bị đe dọa, có dấu hiệu tiêu thụ và buôn bán trái phép. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về bản báo cáo của WWF.

Chính phủ Việt Nam từng nhắc về trang trại nuôi hổ trong một báo cáo vào năm 2009 về việc nuôi hổ để phục vụ cho các chương trình nhân giống trong tương lai. Trên thế giới chưa có con hổ nuôi nào được trả lại tự do và tái hòa nhập môi trường tự nhiên thành công.

Một vài người ủng hộ trang trại nuôi hổ phản bác lại rằng những trang trại nuôi hổ làm giảm áp lực săn bắn hổ trong tự nhiên vì sẽ giúp đáp ứng được phần nào nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã. Tuy nhiên, theo ông Vincent Nijman, chuyên gia nghiên cứu về việc buôn bán động vật hoang dã tại Đại học Oxford Brookes ở Anh cho rằng tại châu Á, nhiều trang trại nuôi động vật hoang dã không bị kiểm soát và tạo ra thị trường béo bở buôn bán những thứ bị cấm.

Việt Nam bị cáo buộc là điểm nóng của nạn buôn bán bất hợp pháp, từ đây lan dần sang các châu lục khác. Nhóm luật sư nói rằng chính phủ ủng hộ cho việc giam cầm động vật hoang dã tại các trang trại, đặc biệt là các trang trại nuôi hổ. Các trang trại này có vỏ bọc là khu bảo tồn động vật hoang dã nhưng thực chất lại làm tăng đe dọa đối với những loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Trung Quốc là quốc gia bị Viện Brookings coi là thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF xếp Trung Quốc ở vị trí thứ hai trong số những quốc gia có tình trạng buôn bán động vật hoang dã tồi tệ nhất. Tuy nhiên trong thời gian gần đây Trung Quốc nhận được lời khen vì những nỗ lực của cảnh sát chống lại nạn buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ hổ bất hợp pháp. Năm 2010, các nhà chức trách của Trung Quốc yêu cầu hai trang trại hổ lớn nhất cả nước phải gắn chip điện tử theo dõi từng con hổ sống và kiểm soát việc tiêu hủy xác hổ chết.

Tại Việt Nam, năm 2007, đã có một quyết định hợp pháp hóa các trang trại nuôi hổ trên một cơ sở thí điểm. Theo báo cáo về tội phạm buôn bán động vật hoang dã của WFF, điều này ảnh hưởng tới những nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã của chính phủ.  Báo cáo còn chỉ ra rằng hổ nuôi nhốt đang trở thành nguồn cung cấp đáng kể cho thị trường buôn bán sản phẩm từ hổ bất hợp pháp. Người Việt Nam tin rằng cao hổ cốt chữa trị đau xương rất hiệu quả, nó có giá lên tới 1.000USD/lạng tại chợ đen.

WWF đưa ra bản báo cáo dài 35 trang sau cuộc tranh luận hồi tháng 5 vừa qua. Ngay khi các chuyên gia hoạt động vì môi trường và động vật hoang dã quốc tế biết tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đề xuất thí điểm cho phép chế biến các bộ phận của những con hổ bị chết trong quá trình nuôi nhốt thành các loại thuốc chữa bệnh.

Một quan chức tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Đỗ Quang Tùng bác bỏ những chỉ trích cho rằng những đề xuất trên tạo điều kiện để hợp pháp hóa việc buôn bán các sản phẩm từ hổ. Một nhân viên làm việc tại văn phòng thủ tướng cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bác bỏ đề xuất này.

Trong suốt thế kỷ qua, số lượng hổ sống ngoài tự nhiên hiện nay bị sụt giảm từ 100 nghìn con xuống còn chưa tới 3.500 con. Theo tổ chức vận động chống buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC, có ít nhất 200 xác hổ đã bị thu giữ trong các chiến dịch càn quét tình trạng buôn bán trái phép trên thế giới năm vừa qua. Việt Nam là một trong số 13 nước còn hổ trong tự nhiên, tuy nhiên, theo con số của chính phủ Việt Nam cung cấp thì số lượng loài hổ tại nước này hiện chỉ còn chưa đến 50 con.

Những người bảo vệ động vật hoang dã cho biết các trang trại nuôi hổ tại Việt Nam có tỉ lệ hổ tử vong cao. Những trang trại này khó có thể duy trì được số lượng như họ báo cáo mà không nhập lậu hổ từ các nguồn trái phép. Hổ thường bị bán qua biên giới miền núi tiếp giáp với Lào, quốc gia bị liệt vào vị trí thứ 3 trong số các quốc gia vi phạm tồi tệ nhất trong báo cáo về tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép của WWF.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, 49 trong số 112 con hổ tại 11 trang trại nuôi nhốt là được sinh ra trong trại. Ông Lương Thiên Đan cho biết, nguyên nhân các con hổ trong trang trại của ông bị chết thường là do đánh nhau hoặc hổ con chết do mẹ chúng không cho bú, tất cả những con hổ chết của trại đều được hỏa táng dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Ông Đan nói không thể nhớ con hổ con đầu tiên của trang trại được phối giống và sinh sản ra sao, hay ông cũng không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu con hổ bị chết kể từ khi trang trại này được xây dựng.

Ông Đan nói, trang trại tự chi trả hết tất cả các chi phí như tiền mua thịt sống (khoảng 150 triệu đến 200 triệu VNĐ/tháng). Khoản tiền này được ông Ngô Duy Tân, anh họ ông và là chủ một nhà máy bia, tài trợ. Những chuồng hổ gỉ sắt được đặt ngay trong khuôn viên rộng 7.000m2 của công ty bia Thái Bình Dương

Ban quản lý trang trại hi vọng sẽ mở cửa công viên sinh thái cho khách tham quan. Tuy nhiên ông Đan chưa chắc chắn về tương lai của trang trại này vì hiện tại nơi này mới chỉ được Thủ tướng cấp phép tạm thời. Ông Đan cũng chờ đợi một bước tiến của chính phủ trong việc cho phép buôn bán các bộ phận cơ thể hổ để chế biến thành thuốc. Ông nói: “Điều đó tốt cho xã hội và tốt cho chúng tôi”.

Nguyễn Lan Hương (dịch) - MIKE IVES

Theo Laodong.com.vn

Tin liên quan

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Bởi admin Bình luận

[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…

Xem Thêm
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

Bởi admin Bình luận

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522