Vì sao người dân muốn bán gấu cho nhà nước?

admin

7 bien2872-450

Nuôi gấu không được hút mật, không được bán trong khi chi phí nuôi lại quá lớn. Người dân biết làm thế nào để duy trì một việc quá khó khăn như vậy? Thế nên mới có chuyện, hàng trăm hộ dân đòi bán gấu cho Nhà nước.

Trong khi đó, pháp luật không công nhận gấu thuộc quyền sở hữu của người dân, cũng không thuộc quyền sở hữu Nhà nước. Số phận của 3 nghìn con gấu nuôi tại Việt Nam vẫn đang chờ được phán xét.

Bán đất nuôi gấu lấy mật

Cách đây hơn 10 năm, nuôi gấu lấy mật trở thành một nghề làm giàu của nhiều nông dân. Một nhà làm giàu, cả xã làm theo. Phong trào nuôi gấu trở nên rầm rộ và sôi động. Người ta sang tận Lào để “săn” gấu giống về bán. Một con gấu giống có giá từ 70 đến xấp xỉ 100 triệu đồng, nông dân chấp nhận cắt đất bán lấy tiền mua gấu. “1 lô đất ngày đó bán có 70 triệu, nhà tôi phải bán mấy lô mới mua được vài con gấu ngựa về nuôi. Năm 1999, tính ra mỗi con gấu ngựa bằng 20 cây vàng. Mỗi cc mật gấu lúc đó có giá trị bằng 1 chỉ vàng” - anh Cấn Như Tùng, ở thôn Tây, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội hồi tưởng lại thời hoàng kim.

Nhà nhà nuôi gấu ngựa lấy mật khiến cho xã Phụng Thượng thời đó như một vương quốc gấu khi có hàng nghìn con gấu sống trong nhà dân. Nhiều ông chủ đã xuất hiện và giàu lên nhanh chóng từ việc hút mật gấu bán.

Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy chế quản lý gấu nuôi, việc hút mật gấu bị cấm hoàn toàn, không khai thác được lợi ích từ việc hút mật gấu ngựa để bán, hàng trăm con gấu ở Phụng Thượng bị đối xử hoàn toàn trái ngược như trước đây.

Mới đây, chúng tôi quay lại “vương quốc gấu” một thời nổi tiếng ở phía Bắc. Ngay mặt đường quốc lộ 32, nhiều tấm biển quảng cáo “Trại gấu” được để ra tận mép đường như mời chào. Trại gấu nào cũng kê sẵn một dãy lồng sắt ở ngay ngoài cửa vào, bên trong những chiếc lồng chật chội là những chú gấu béo ních đang nằm ngửa lim dim ngủ. Mùi tanh nồng của những chú gấu ít được tắm xộc lên thật khó chịu.

Khi còn hoàng kim, gấu được chủ quý như người, tắm rửa hàng ngày, chăm sóc chế độ ăn đặc biệt. Nhưng nay thì hoàn toàn khác. Người ta cho gấu ăn chỉ để cầm chừng, duy trì sự sống.

Ghé vào một cửa hàng có gấu ngựa sinh sản, chúng tôi hỏi mua mật gấu. Lúc đầu, nhân viên cười trừ kêu “không có”. Nhưng sau vài phút, người này đã hỏi: “mua nhiều không?”. Giá của mật gấu ngựa ở đây rẻ đến bất ngờ: 20.000đ/1cc. Nếu mua nhiều thì giảm mỗi cc 3.000đ. Chúng tôi tỏ ý băn khoăn về chất lượng mật và nguy cơ dịch bệnh, người này khoát tay: “Yên tâm, chúng tôi ăn ở với chúng hàng ngày có sao đâu. Đấy, các chị xem, chúng đều khỏe mạnh cả”.

Anh V., chủ một cơ sở nuôi gấu ngựa ngay trên mặt đường QL32 cho biết: “Nói thật, vẫn phải hút trộm mật để có thu nhập mà nuôi nó chứ. Một số còn giết mổ bán, sau đó kêu với Kiểm lâm là đã chết”.


Dân muốn bán gấu cho Nhà nước

Có một nghịch lý là việc nuôi gấu hút mật khi chưa bị cấm thì chẳng thấy nhà nào kêu muốn bán cho Nhà nước, nay “hết thời” thì lại đòi bán cho Nhà nước với giá 100 triệu đồng/con.

Chủ trang trại gấu Liên Tùy ở thôn Tây, xã Phụng Thượng bày tỏ: “Giờ nuôi gấu chán lắm rồi. Quỹ bảo tồn thiên nhiên nhiều lần vận động chúng tôi hiến gấu cho Nhà nước. Nói thật nếu hiến thì không bao giờ có. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đồng ý với điều kiện bán lại cho Nhà nước với giá 100 triệu một con”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại gấu của mình, ông chủ này phân trần: “Mỗi ngày tiền ăn của 27 con gấu này hết 500 đến 700 nghìn. Khó khăn lắm, nhưng bảo hiến cho nhà nước thì không thể bởi chúng tôi đã đổ ra một số tiền quá lớn vào chúng rồi”.

Ông nhẩm tính: tiền mua gấu giống thời điểm năm 1999 xấp xỉ 100 triệu/con. Hơn 10 năm nuôi và nhân giống, giờ đây có 27 con gấu ngựa, mỗi con nặng trên 2 tạ. Khi gấu còn được hút mật, chế độ chăm sóc chúng được ông chủ thực hiện rất đặc biệt: cho uống sữa, mật ong, trứng vịt lộn, gà, vịt… Nhưng nay tất cả những thứ này bị cắt giảm hết, gấu được ăn uống cầm chừng vì nguồn thu không có.

“Ở xã này trước đây có nhà nuôi 60 con gấu ngựa, nhưng giờ nhiều nhà không có tiền nuôi nó, bệnh tật và chết cũng nhiều. Cả sản nghiệp gia đình đổ vào gấu, tôi còn nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng nên lo lắm. Loại này hay bị bệnh về đường tiêu hóa và viêm phổi nên truồng trại phải luôn sạch sẽ. Nó mà ốm còn lo hơn người” – ông chủ cơ sở Liên Tùy lo lắng.

Nằm sâu trong thôn Đông, cơ sở nuôi gấu của vợ chồng chị Khuất Thị Tuân hiện còn 8 con gấu ngựa, mỗi con nặng trên dưới hơn 2 tạ. Tiền thức ăn cho 8 con gấu này cũng không hề nhỏ.

“Chúng ăn cháo ninh xương, cá, bí đỏ, mật ong. Mỗi tháng hết gần chục triệu chứ ít đâu. Chẳng biết tương lai thế nào, cứ cố mà nuôi thôi” – chị Tuân cho biết.

Khi được hỏi anh chị tính thế nào về số gấu này, có định hiến cho nhà nước hay không? Chị Tuân than thở: “Nhà nước mua lại thì chúng tôi bán, nhưng phải 150 triệu/con. Còn nếu vẫn để cho dân nuôi thì nhà nước nên xem xét hỗ trợ mỗi con 500 nghìn/tháng”.

Không chỉ ở Phụng Thượng, nhiều hộ nuôi gấu ngựa ở Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Phòng cũng đòi bán gấu cho nhà nước. Hiện nay, chi phí để nuôi 3.000 chú gấu ngựa trong dân đang là quá lớn. Việc không có nguồn thu để nuôi những chú gấu này (hầu hết các hộ nuôi là nông dân) nên hành vi hút trộm mật gấu để bán vẫn lén lút diễn ra.

Buôn bán gấu để xẻ thịt, thậm chí còn đưa khách du lịch đi tham quan trại gấu, xem quá trình hút mật. Những hình ảnh gây tổn thương đến loài động vật hoang dã thuộc nhóm IB này đã gây phản cảm và phẫn nộ trong cộng đồng. Gấu nuôi đã được ngành kiểm lâm gắn chíp và quản lý theo từng hộ từ năm 2008.

Theo ông Hoàng Văn Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng thì ở xã này hiện còn 38 hộ nuôi gấu với 259 con. Ô nhiễm môi trường từ việc nuôi gấu trong dân cũng rất lớn. Nhiều hộ gia đình vay mượn, thậm chí vay ngân hàng để nuôi gấu giờ thua lỗ cũng không hề nhỏ. Để bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này trong dân là rất khó.

Ông Lan thừa nhận việc hút trộm mật gấu trong dân là có nhưng bắt quả tang là rất khó. Xã thường xuyên gửi tờ rơi đến từng nhà nuôi gấu, nghiêm cấm hút, bán mật gấu. Ông Lan đề xuất “Để tránh tình trạng hút trộm mật gấu, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho người dân để họ có điều kiện chăm sóc và bảo tồn tốt hơn”.

Ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV): Việc mua gấu về nuôi từ thời điểm trước đây đã là bất hợp pháp bởi các cá thể gấu này không có nguồn gốc hợp pháp. Đó là chưa nói đến nuôi gấu để chích hút lấy mật.

Việc nuôi nhốt, chích hút mật gấu là trái pháp luật. Pháp luật đã quy định vấn đề này từ rất lâu rồi, nhưng do việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến thực trạng bùng phát các trại gấu. Gấu là loài động vật hoang dã xếp trong nhóm IB, cấm săn bắn, bẫy bắt, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, quảng cáo…

Việt Trần
Trần Hằng - Việt Hà

Theo CAND

Tin liên quan

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Bởi admin Bình luận

[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…

Xem Thêm
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

Bởi admin Bình luận

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522